Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc điện đàm diễn ra vào ngày đầu tiên quyền Bộ trưởng Esper nhận chức vụ mới (ngày 24/6 - giờ Mỹ). Ông Esper cho biết đã quyết định điện đàm với Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo vì Hàn Quốc là một trong các đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
Trong thông cáo báo chí, bộ trên cho biết lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã tái khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực ngoại giao song phương nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên dựa trên quan hệ quốc phòng vững chắc. Hai ông cam kết duy trì kênh liên lạc chặt chẽ nhằm làm sâu sắc hơn nữa liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Esper, từng là Bộ trưởng Lục quân Mỹ, kế nhiệm ông Patrick Shanahan, người vừa từ chức vì lý do cá nhân.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/6, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Joy Yamamoto cho biết Mỹ sẽ đề nghị Hàn Quốc tăng mức đóng góp tài chính, thanh toán cho chi phí đồn trú của binh sĩ Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên sau khi thỏa thuận chia sẻ chi phí hiện nay hết hiệu lực vào cuối năm.
Theo bà Yamamoto, Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ các đồng minh của Mỹ phải chi trả "một phần công bằng, một phần lớn hơn trong chi phí bảo vệ chính họ", và Hàn Quốc không phải là ngoại lệ. Phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), bà Yamamoto nói thêm rằng sau khi kết thúc việc đánh giá chính sách chia sẻ gánh nặng tài chính trên phạm vi thế giới, Mỹ sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm làm mới thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng với Hàn Quốc, mang tên Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt. Bà cho biết: "Chúng tôi sẽ đề nghị Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn cho việc duy trì sự hiện diện các lực lượng (của Mỹ) tại Hàn Quốc".
Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc và Mỹ đang cùng nhau chia sẻ chi phí duy trì khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này nhằm răn đe Triều Tiên và bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực. Tháng 3 vừa qua, Seoul và Washington đã ký một thỏa thuận có hiệu lực một năm, kêu gọi Hàn Quốc tăng 8% đóng góp tài chính lên 1.040 tỷ won (tức 915 triệu USD). Thỏa thuận đã đạt được sau một loạt vòng đàm phán, trong đó ban đầu Mỹ đề nghị Seoul phải đóng góp 1,2 tỷ USD. Seoul muốn thỏa thuận này có thời hạn từ 3-5 năm, nhưng Washington chỉ muốn kéo dài 1 năm. Tiến trình thương lượng lại thỏa thuận cho năm tiếp theo sẽ bắt đầu trong ít tháng tới.