Trước đó, Triều Tiên ngày 9/9 tuyên bố sẵn sàng gặp Mỹ vào cuối tháng 9 nhưng nhấn mạnh Washington cần đưa ra một đề xuất mới có thể chấp nhận được đối với Bình Nhưỡng.
Phát biểu với báo giới ngày 12/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus cho rằng tuyên bố trên của Triều Tiên là "dấu hiệu đáng khích lệ" về việc Triều Tiên muốn trở lại đàm phán và Mỹ hoan nghênh điều này. Tuy nhiên, bà cho biết thêm rằng "chưa có kế hoạch gặp nào để thông báo liên quan đến việc này".
Bà Ortagus cũng nhấn mạnh mặc dù cam kết với các cuộc đối thoại, song mục tiêu của Mỹ vẫn không thay đổi, đó là "phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiểm chứng".
Ngoài ra, bà Ortagus chỉ trích các vụ thử vũ khí tầm ngắn gần đây của Triều Tiên là "hành động khiêu khích", không hữu ích và không mang tính xây dựng.
Trước đó, cùng ngày 12/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Ông Trump đã gặp ông Kim 3 lần và đã nhiều lần khẳng định rằng ông tin tưởng vào những cam kết của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này. Việc cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, một nhân vật có quan điểm rất cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên, bị sa thải mới đây được cho là mở ra triển vọng ngoại giao Mỹ - Triều.
Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao con thoi cũng đang diễn ra nhằm thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều. Ngày 12/9, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon đã thăm Trung Quốc và hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy về tình hình Bán đảo Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hai bên đã chia sẻ quan điểm rằng việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhất trí phối hợp để đạt mục tiêu này.
Ông La Chiếu Huy dự kiến kiêm nhiệm cương vị trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Sau khi thăm Trung Quốc, ông Lee Do-hoon có kế hoạch thăm Washington tuần tới để hội đàm với trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ Stephen Biegun.