Trước đó ngày 7/11, Nga đã kêu gọi tổ chức cuộc họp này sau khi các nhà ngoại giao cấp cao của Nga, Trung Quốc và Triều Tiên hồi tháng 10 nhất trí đàm phán tại Moskva (Nga) về nhu cầu nới lỏng các lệnh trừng phạt song song với các bước đi của Bình Nhưỡng hướng tới phi hạt nhân hóa. Mỹ cùng với Anh và Pháp lập luận rằng phải duy trì các biện pháp trừng phạt cho tới khi Triều Tiên hoàn tất tiến trình loại bỏ các vũ khí hạt nhân.
Theo hãng tin Pháp AFP, Mỹ khẳng định sẽ trì hoãn việc thông qua một số đề nghị miễn trừng phạt cho Bình Nhưỡng để chuyển giao các máy kéo, các phụ tùng thay thế cùng các hàng hóa khác cần thiết cho hoạt động viện trợ nhân đạo ở Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho rằng Mỹ "sẽ cần có thêm thời gian" để xem xét lại những đề nghị này. Bên cạnh đó, Đại sứ Haley cho biết thêm Nga muốn dỡ bỏ những hạn chế ngân hàng được áp đặt với Triều Tiên, song Mỹ sẽ "không cho phép điều này xảy ra".
Các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ chống Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này không cấm viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, nhiều tổ chức viện trợ nói rằng không thể chuyển những mặt hàng thiết yếu đến Triều Tiên do quá trình sàng lọc mất nhiều thời gian do một ủy ban về trừng phạt của HĐBA LHQ tiến hành. Việc miễn trừng phạt sẽ cho phép vận chuyển các vật dụng cần thiết để sửa chữa các cơ sở y tế, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp của Triều Tiên như máy kéo và nhiều hàng hóa khác cần thiết cho các dự án nhân đạo.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ, khoảng 10,3 triệu người, tức 41% dân số Triều Tiên thiếu lương thực. Tháng 8 vừa qua, Hội Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cho biết đợt nắng nóng ở Triều Tiên đã khiến lúa, ngô và các cây lương thực khác khô héo, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lương thực của Triều Tiên. Mạng lưới cứu trợ thiên tai lớn nhất thế giới này cảnh báo về nguy cơ cuộc “khủng hoảng an ninh lương thực toàn diện” ở Triều Tiên.