Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Trong một thông báo mới đưa ra, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert hối thúc các bên liên quan dừng mọi hành động bạo lực và khiêu khích, thay vào đó cùng đàm phán và hợp tác bình ổn tình hình. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng việc điều động quân đội Iraq có tới các khu vực thuộc quyền quản lý của chính quyền tự trị người Kurd có thể khiến tình hình tại đây thêm rối ren, đặc biệt sau khi chính quyền vùng này đơn phương tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập. Bộ trên khuyến cáo các bên cần tuân thủ quy định của pháp luật và dựa trên hiến pháp quốc gia để giải quyết các bất đồng.
Lực lượng Chính phủ Iraq tiến vào giếng dầu Bai Hassan ở phía tây thành phố Kirkuk ngày 17/10. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cả chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd đều là những đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Trung Đông. Nhưng việc có chung một kẻ thù đã không khiến hai bên khép lại những mâu thuẫn liên quan vấn đề lãnh thổ và tài chính. Căng thẳng leo thang sau khi chính quyền khu tự trị người Kurd ngày 25/9 tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực này bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương và các nước trong khu vực. Chính quyền trung ương Iraq đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm mọi chuyến bay quốc tế đến các sân bay của người Kurd kể từ ngày 30/9.
Ngày 13/10, quân đội Iraq đã mở chiến dịch giành lại kiểm soát các khu vực giàu dầu mỏ lâu nay do chính quyền tự trị người Kurd quản lý, bao gồm tỉnh Kirkuk nhiều dầu mỏ và một số khu vực thuộc các tỉnh Nineveh và Diyala. Việc mất quyền kiểm soát đối với các khu vực này đã giáng đòn nghiêm trọng vào nguồn tài chính của vùng tự trị này, vốn chủ yếu dựa vào thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ ở Kirkuk.
Trong một diễn biến liên quan, Tư lệnh Các chiến dịch nước ngoài của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qassem Soleimani đã liên tục cảnh báo lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq rút quân khỏi thành phố Kirkuk, tránh cuộc tấn công từ quân đội Iraq cùng lực lượng đồng minh được Tehran hậu thuẫn. Thiếu tướng Soleimani đã đến khu vực của người Kurd ở miền Bắc Iraq ít nhất 3 lần trong tháng này, trước khi chính quyền Baghdad mở chiến dịch chớp nhoáng nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ dọc khu vực phía Bắc nước này. Tại thành phố Sulaimania, ông Soleimani đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Liên minh Yêu nước người Kurd (PUK), một trong hai đảng chính trị chủ chốt của người Kurd ở miền Bắc Iraq, chỉ một ngày trước khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ra lệnh cho binh sĩ tiến vào thành phố Kirkuk.