Trong cuộc điện đàm trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, bà hy vọng lãnh đạo hai nước sẽ có một cuộc thảo luận chân thành và công bằng tại cuộc gặp này. Bà Jen Psaki cũng nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng con đường ngoại giao là lộ trình duy nhất để tiến lên và việc có một cuộc thảo luận, dù là gián tiếp, cũng là cách tốt nhất để dẫn tới một giải pháp (về vấn đề Iran)".
Trong khi đó, Pháp cũng tuyên bố đang phối hợp với các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ, nhằm đưa ra phản ứng sau khi Iran thông báo sẽ bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%. Phủ Tổng thống Pháp cho biết động thái của Iran là một diễn biến "nghiêm trọng" và cần một sự phối hợp giữa các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cùng với Washington.
Những động thái trên diễn ra sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 13/4 xác nhận Iran đã thông báo sẽ bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%. Trong báo cáo gửi tới các nước thành viên, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã xác nhận thông tin trên.
Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi cũng khẳng định nước này bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%. Iran dự kiến triển khai thêm 1.000 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, vốn vừa bị tấn công hôm 11/4.
Những căng thẳng trên diễn ra ngay trước khi các bên dự kiến tiếp tục cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) vào ngày 15/4 tới nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). JCPOA cho phép Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước này khỏi thỏa thuận trên và tái áp đặt trừng phạt Iran, Tehran đã dần giảm bớt việc tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận. Những tháng gần đây, Iran đã tăng mức làm giàu urani lên 20%.