Mỹ và Iran ngày 3/3 đã tiến sát đồng thuận về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 – với tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Giới chức hai nước cho biết còn tồn tại một số vướng mắc sau cùng cần giải quyết trong những giờ tới.
Sau nhiều tuần đàm phán ở Vienna (Áo) với sự tham dự của đại diện Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), giới chức ngoại giao cấp cao cho biết các bên đã ở vùng đạt đồng thuận khôi phục JCPOA. Về cơ bản, thỏa thuận sẽ bao gồm điều khoản dỡ bỏ hầu hết các lệnh cấm vận quốc tế chống Tehran, đổi lại Iran sẽ tạm ngưng hoạt động hạt nhân. “Chúng tôi đang ở rất gần một thỏa thuận. Giờ là lúc hoàn tất những bươc đi cuối cùng”, trưởng đoàn đàm phán Anh, ông Stephanie Al-Qaq, thông tin trên tài khoản mạng xã hội Twitter hôm 3/3.
Giới chức Mỹ và Iran cho biết hiện còn một điểm bất đồng nổi cộm cần xử lý. Đó là việc Iran yêu cầu mở rộng diện dỡ trừng phạt nếu khôi phục JCPOA. Cụ thể, Tehran muốn Mỹ rút Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Mỹ lâu nay luôn phản đối yêu sách này, với lý do IRGC có hoạt động can dự ở khắp Trung Đông, hậu thuẫn nhiều nhóm mà Mỹ coi là khủng bố như cánh vũ trang Hezbollah ở Li-ban. Quyết định cuối cùng sẽ phải được thông qua cấp lãnh đạo cao nhất ở Nhà Trắng.
Phía Iran cũng thể hiện sự thận trọng nhất định khi nói rằng đàm phán chưa vượt qua được ranh giới cuối cùng. “Không ai có thể khẳng định hoàn tất thỏa thuận cho đến khi mọi vấn đề vướng mắc được xử lý xong. Cần có thêm những nỗ lực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu quan điểm trên Twitter.
Mỹ đã rút khỏi JCPOA hồi năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump lúc đó cho rằng thỏa thuận này không đủ sức nặng để buộc Iran ngừng tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Tehran từ năm 2019 đã mở rộng các hoạt động trong chương trình hạt nhân của mình. IAEA ngày 3/3 cho biết kho dự trữ urani đã được làm giàu của Iran đã đạt đến mức cao gấp 15 lần so với giới hạn đặt ra trong JCPOA, tiến sát ngưỡng sở hữu lượng urani làm giàu đủ để chế tạo bom hạt nhân.
Đàm phán tại Vienna lần này tập trung vào việc vạch ra các bước đi cần thiết đối với Tehran và Washington nhằm khôi phục JCPOA. Giới ngoại giao Mỹ và châu Âu tuyên bố cần kết thúc đàm phán trong vài ngày tới, nếu không đại diện của Mỹ, Anh, Pháp và Đức sẽ rút khỏi tiến trình đàm phán. Theo những quan chức này, thời gian không còn nhiều, do Iran đã có bước tiến lớn trong chương trình hạt nhân, tới ngưỡng phương Tây khó có thể gặt hái được những lợi ích chính từ thỏa thuận mới – đó là chặn Iran ở ngưỡng an toàn, không có đủ nhiên liệu hạt nhân để chế tạo bom.
Tín hiệu lạc quan xuất hiện trong sáng ngày 3/3, khi IAEA thông báo Tổng Giám đốc cơ quan này, ông Rafael Grossi sẽ có chuyến đi tới Tehran trong ngày 5/3 để thảo luận và xử lý những điểm nghẽn cuối cùng, mở đường cho hoàn tất thỏa thuận. Vướng mắc lớn nhất sẽ là cách thức xử lý cáo buộc về sự tồn tại nguyên liệu hạt nhân ở Iran mà Tehran không công bố. Giới chức Iran muốn loại tiến trình điều tra khỏi thỏa thuận mới, điều mà ông Grossi và phương Tây cho là không chấp nhận được.
Tiến trình đàm phán bỗng trở nên căng thẳng hơn vào đầu tuần này, sau khi trưởng đoàn đàm phán Iran đặt ra yêu sách mà Tehran từng nêu ra trước đó, nổi bật là một bảo đảm cam kết Mỹ dưới bất kỳ chính quyền nào sẽ không từ bỏ thỏa thuận một lần nữa. Châu Âu và Mỹ nhiều lần khẳng định không thể đưa ra bảo đảm về điều mà chính quyền Mỹ sẽ làm trong tương lai. Nhưng đến tối ngày 2/3, giới chức phương Tây cho biết Iran dường như không còn quá gay gắt trong vấn đề này.
Thất bại trong khôi phục JCPOA có thể đẩy Iran tiến gần hơn tới ngưỡng sở hữu tiềm lực vũ khí hạt nhân, dù Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Trong báo cáo mật thuộc diện lưu hành nội bộ hôm 3/3, IAEA cho biết tính đến ngày 19/2, Iran đã có được 33,2 kg urani làm giàu ngưỡng 60%, tăng 15,5kg so với thời điểm tháng 11/2021.
Kho dự trữ urani làm giàu ở các cấp độ khác nhau của Iran là hơn 3.197 kg, tăng 707,4 kg so với kỳ báo cáo của IAEA tháng 11 năm ngoái. Theo quy định trong JCPOA, Iran chỉ được phép sở hữu 202,8 kg urani làm giàu ở mọi cấp độ.