Trả lời báo giới, ông Murphy nhấn mạnh đề nghị tiến trình đàm phán nên diễn ra một cách minh bạch, và vào thời điểm phù hợp, sẽ cần đưa ra tham khảo ý kiến của cộng đồng quốc tế, vốn đang rất quan tâm đến kết quả đàm phán.
Theo ông Murphy, mặc dù Mỹ không phải là nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và không tham gia vào quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, nhưng Biển Đông là một tuyến đường thương mại trên biển vô cùng quan trọng nên Washington rất quan tâm đến vấn đề này.
Theo ông Murphy, cộng đồng quốc tế coi trọng việc giải quyết xung đột, giảm căng thẳng và tìm kiếm những giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy hợp tác một cách hiệu quả trên Biển Đông. Ông cũng cho biết Washington có ý định thông qua các cuộc họp cấp khu vực có sự tham gia của ASEAN và các đối tác để nêu bật tầm quan trọng của một giải pháp lâu dài và dựa trên qui tắc cho vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp thường niên tại Singapore trong 3 ngày từ 18-20/10 với sự tham gia của các đối tác từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Tranh chấp ở Biển Đông thường xuyên được thảo luận trong chương trình nghị sự của hầu hết các cuộc họp của giới lãnh đạo ASEAN và các đối tác đối thoại của ASEAN, trong đó có Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đưa tin tình trạng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông cũng sẽ là một chủ đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 51 quốc gia châu Á và châu Âu trong tuần này tại Brussels (Bỉ).