Tổng thống Mỹ mô tả tình hình hiện nay là “thời khắc nguy hiểm, nhưng cũng là triển vọng vô cùng lớn lao”. Ông lưu ý tới những việc làm mới được tạo ra trong quá trình này.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh những cam kết tham vọng mà Mỹ vừa đưa ra tại hội nghị. Phát biểu sau khi ông chủ Nhà Trắng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Thủ tướng Johnson bày tỏ ấn tượng với tuyên bố mang tính "thay đổi cuộc chơi" mà Tổng thống Biden vừa đưa ra, đồng thời khẳng định rằng Anh sẽ có hành động tương tự.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng nhận định công cuộc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu có thể trở thành một “lực lượng dẫn dắt” phát triển kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản nêu rõ: “Ứng phó với biến đổi khí hậu không còn là một sự miễn cưỡng đối với nền kinh tế của chúng tôi. Thay vào đó, công cuộc này sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng dài hạn và mạnh mẽ không chỉ đối với Nhật Bản, mà toàn bộ thế giới”.
Từ Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ chấm dứt việc hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài, cam kết đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định thế giới cần phải giảm số lượng các nhà máy nhiệt điện và các nước đang phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào than đá cần được hỗ trợ thỏa đáng. Tổng thống Moon Jae-in cam kết nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ đạt nục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và đặc mục tiêu mở rộng các mục tiêu quốc gia vào năm 2030.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố các nước trên thế giới cần hành động ngay lập tức vì sẽ "không có vaccine phòng ngừa một hành tinh bị ô nhiễm". Ông nêu mục tiêu của Canada là giảm 40-50% lượng khí thải so với mức của năm 2005.
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến quy tụ 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro... Theo giới chức Mỹ, mục tiêu cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà Washington đưa ra là nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống cuộc khủng hoảng khí hậu. Mục tiêu này sẽ tạo ra "đòn bẩy" để các nước khác hành động mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày diễn ra vào thời điểm các nhà khoa học đang cảnh báo rằng các chính phủ phải có hành động dứt khoát để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Hậu quả của việc vượt quá ngưỡng này là sự biến mất của nhiều loài động thực vật, tình trạng thiếu nước trầm trọng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho các quốc gia nghèo nhất. Tuy nhiên, một nghịch lý là các nước nghèo lại chỉ chịu một phần trách nhiệm rất nhỏ trong việc nhiệt độ Trái Đất tăng lên.