Hãng tin Fox Business dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nêu rõ các vụ phóng tên lửa trong 1 tuần qua của Triều Tiên không phải là động thái phá vỡ cam kết của Chủ tịch Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông Bolton, Triều Tiên chỉ thử tên lửa tầm ngắn, chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, ông Bolton tỏ ý hoài nghi về triển vọng Bình Nhưỡng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington.
Bình luận trên của quan chức cấp cao Nhà Trắng được nhìn nhận như là tín hiệu về cam kết của Chính quyền Washington theo đuổi giải pháp ngoại giao đối với Triều Tiên, bất chấp tình trạng bế tắc tiến trình đàm phán giữa hai bên.
Ngày 1/8, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm một hệ thống tên lửa mới trong các vụ phóng được thực hiện trước đó một ngày, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vụ phóng này được tiến hành hôm 31/7 nhằm thử nghiệm một "hệ thống rốc-két dẫn đường đa nòng cỡ lớn đời mới".
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng ra ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước này hôm 31/7, đồng thời nói rằng những tên lửa này đã bay được khoảng 250 km và đạt độ cao khoảng 30 km trước khi rơi xuống biển. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), các tên lửa này được phóng đi từ Bán đảo Hodo thuộc tỉnh Nam Hamgyong ở bờ biển phía Đông Triều Tiên.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này, nêu rõ những tên lửa của Triều Tiên không đi vào vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải của Nhật Bản, không ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh Nhật Bản.
Giới chuyên gia cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên dường như là nhằm phản ứng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng tới cũng như tăng cường vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trước khi nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ. Theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa cho đến khi cuộc tập trận, mang tên "19-2 Dong Maeng" kết thúc.
Lâu nay, Triều Tiên vẫn luôn chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, coi đây là các cuộc diễn tập cho việc xâm lược. Tuy nhiên, cả Seoul và Washington đều bác bỏ quan điểm trên của Bình Nhưỡng, khẳng định các cuộc tập trận này hoàn toàn chỉ mang tính phòng vệ.
Theo Financial Review, phát biểu khi đang có mặt tại Thái Lan dự một diễn đàn an ninh khu vực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31/7 nói rằng ông hy vọng đàm phán hạt nhân sẽ sớm được nối lại, bất chấp việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử vũ khí trong mấy ngày gần đây, động thái phủ bóng đen lên triển vọng trở lại bàn đàm phán.
Ông Pompeo nói với các phóng viên rằng một số công việc trù bị liên quan tới vòng đám phán mới cần được triển khai, song ngày giờ cụ thể chưa được hai bên ấn định. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố ông vẫn đang chờ xem Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho có tới Bangkok dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hay không, đồng thời bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ có cuộc gặp tại đây nếu người đồng cấp Ri Yong-ho xuất hiện. Tuần trước, một nguồn tin ngoại giao tiết lộ ông Ri Yong-ho đã hủy chuyến đi Thái Lan, song thông tin này chưa được xác nhận.
Ngoại trưởng Pompeo nói: “Mất thêm chút thời gian. Một chút công việc sơ bộ để triển khai. Tôi không muốn ấn định một ngày nào đó, song tôi hy vọng không quá lâu nữa chúng tôi sẽ chứng kiến Đặc phái viên Biegun ngồi lại với một đối tác mới bên phía Triều Tiên”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của nước này, Đặc phái viên phụ trách chính sách với Triều Tiên Stephen Biegun, cũng có mặt ở Bangkok để xúc tiến các cuộc thảo luận liên quan tới Triều Tiên. Nguồn tin không cho biết thêm chi tiết. Trong quá khứ, Diễn đàn Khu vực ASEAN thường là một diễn đàn diễn ra các cuộc thảo luận liên quan tới Mỹ và Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận như mong đợi. Hai bên không đã không đạt thỏa hiệp về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.