Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại một phiên điều trần tại Ủy ban Chuẩn chi ngân sách Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ hợp tác với Đức trong vấn đề này là một cách tiếp cận hiệu quả, đồng thời khẳng định Mỹ muốn đảm bảo rằng các đối tác châu Âu thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ, giảm thiểu và đối phó với mọi hậu quả mà hoạt động vận chuyển khí đốt qua đường ống này có thể gây ra. Ông cũng nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào những thực thể liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp các nghị sĩ đặt câu hỏi với Ngoại trưởng Blinken về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Trước đó, trong phiên điều trần diễn ra ngày 7/6 tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông cũng đưa ra lời khẳng định tương tự, đồng thời bảo vệ quyết định Mỹ miễn trừng phạt đối với công ng ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành của công ty này. Ông khẳng định dự án đường ống dẫn dầu này đang được triển khai ở giai đoạn "quá xa" để Washington có thể ngăn chặn. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, chính quyền hiện nay có cơ hội để làm điều gì đó tích cực hơn so với chính quyền tiền nhiệm.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối dự án này do lo ngại Nga gia tăng ảnh hưởng đối với châu Âu thông qua việc cung cấp khí đốt tự nhiên cũng như như gây tổn hại tới Ukraine, quốc gia sẽ bị mất khoản phí vận chuyển béo bở cho hoạt động vận chuyển khí đốt. Trong một báo cáo gửi lên Quốc hội Mỹ tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng Washington có thể trừng phạt Nord Stream 2 AG - công ty phụ trách đường ống dẫn dầu tại Đức- và Giám đốc điều hành của công ty là ông Matthias Warnig - một công dân Đức. Tuy nhiên, sau đó, Ngoại trưởng Blinken đã quyết định miễn trừ trừng phạt đối với công ty trên và ông Warrnig, viện dẫn lý do lợi ích quốc gia. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nghị sĩ lưỡng đảng.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gồm hai nhánh của đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất 55 tỷ m3 khí đốt/năm, nối từ bờ biển của Nga đi qua Biển Baltic tới Đức. Đây là dự án chung giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và 5 đối tác châu Âu với chi phí ước tính khoảng 11 tỷ USD và đã hoàn thiện 95%. Mỹ mạnh mẽ phản đối dự án này trong bối cảnh cũng đang thúc đẩy bán khí hóa lỏng của mình cho châu Âu. Tháng 12/2019, Washington áp đặt trừng đối với những công ty tham gia dự án khiến công ty Allseas của Thụy Sĩ phải dừng lắp đặt đường ống. Việc xây dựng đường ống được nối lại sau đó một năm.
Moskva nhiều lần kêu gọi không chính trị hóa vấn đề, nhấn mạnh Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ có lợi cho Nga mà cho cả Liên minh châu Âu, trong khi Đức cũng ủng hộ việc hoàn tất dự án này. Nga nhiều lần tuyên bố dự án hoàn toàn có mục đích kinh tế và việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ tiếp tục theo các thỏa thuận kí kết.