Mỹ khẳng định ICJ không có thẩm quyền xét xử đơn kiện của Iran

Theo một phản ứng bằng văn bản được công bố trong phiên tranh tụng ngày 27/8 tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở La Hay (Hà Lan) về tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ, liên quan đến việc Mỹ nối lại các trừng phạt làm hủy hoại nền kinh tế Iran, phía Mỹ cho rằng ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này và những yêu cầu của phía Iran nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) ký giữa hai nước từ năm 1955.

Chú thích ảnh
Luật sư Mohsen Mohebi, đại diện cho Iran, tranh tụng trước tòa. Ảnh: .afp.com

Phiên tòa trên đã bắt đầu từ 15h00 (giờ Hà Nội), với việc luật sư Mohsen Mohebi, đại diện cho Iran, tranh tụng trước. Trước tòa, luật sư Mohebi nói rằng: "Mỹ đã công khai tuyên truyền một chính sách nhằm hủy hoại một cách nghiêm trọng nhất nền kinh tế Iran và các công ty của Iran, vì vậy chắc chắn ảnh hưởng tới các công dân Iran. Chính sách này hoàn toàn vi phạm Hiệp ước TAER giữa hai nước". Luật sư Mohebi cho biết thêm rằng Iran đã tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho tranh cãi giữa hai nước nhưng đã bị bác bỏ.

Theo kế hoạch, các luật sư của Mỹ, do cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Newstead dẫn đầu, sẽ tranh tụng tại tòa vào ngày 28/7. Tuy nhiên, trước đó phía Mỹ đã gửi một văn bản đến tòa khẳng định ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ kiện.

Trong phiên tòa hôm nay, Chánh án Abdulqawi Yusuf , đứng đầu một hội đồng gồm thẩm phán, đã kêu gọi Mỹ tuân thủ bất kỳ phán quyết nào mà tòa có thể đưa ra.

ICJ là tòa án được Liên hợp quốc lập ra vào năm 1946 chuyên giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Các phán quyết của tòa mang tính ràng buộc, nhưng lại không có biện pháp chế tài nào để thực thi.

Trong nhiều thập kỷ thù địch kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, cả Mỹ và Iran đều phớt lờ các phán quyết của tòa. Iran phớt lờ một vụ kiện của Mỹ năm 1980 tại ICJ liên quan đến vụ Tehran bắt giữ các nhà ngoại giao Mỹ, mà tòa phán quyết là bất hợp pháp. Trong một vụ kiện và phản kiện khác, ICJ đã phán quyết rằng Hiệp ước TAER vẫn có hiệu lực dù văn kiện này được ký trước thời Cách mạng Hồi giáo. Tuy nhiên, năm 2003, tòa phán quyết rằng các hành động của Mỹ chống lại các cơ sở khai thác dầu của Iran cũng như các vụ tấn công của Iran vào tàu Mỹ đều không vi phạm Hiệp ước TAER.

Phiên tranh tụng giữa Iran và Mỹ dự kiến kéo dài 4 ngày, nhưng dự kiến tòa mất vài tháng để quyết định liệu có nên ra phán quyết về đề nghị của Tehran hay không, trong khi một phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này có thể mất tới vài năm.

TTXVN/Báo Tin tức
Bắt đầu cuộc chiến pháp lý Mỹ - Iran
Bắt đầu cuộc chiến pháp lý Mỹ - Iran

Chiều 27/8 (giờ Hà Nội), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã mở phiên tòa theo đơn kiện của Chính phủ Iran chống lại việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN