Giới phân tích đánh giá nhân vật kỳ cựu của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã cụ thể hóa hơn sự quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với khu vực địa chiến lược quan trọng này, qua đó khẳng định mạnh mẽ chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đã được giới chức Nhà Trắng công bố tại Đối thoại Shangri-La trước đó hai tháng.
Ngoại trưởng Pompeo đã có lịch trình dày đặc qua các chặng dừng chân tại Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Singapore với hàng loạt sự kiện lớn trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan.
Điểm nổi bật nhất của chuyến công du là sự khẳng định vị trí của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Washington giữa các “điểm nóng” đối ngoại như vấn đề Triều Tiên, hồ sơ hạt nhân Iran hay nguy cơ về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Nhấn mạnh quan hệ kinh tế cân bằng, cùng có lợi giữa ASEAN và Mỹ đã và đang đem lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ đánh giá cao vai trò của ASEAN đối với hòa bình, ổn định khu vực; đặt ASEAN ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong chiến lược của Mỹ. Những cam kết về củng cố các mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước nói riêng cũng như với ASEAN nói chung đã được cụ thể hóa qua những con số cụ thể.
Chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Pompeo được chính giới các nước khu vực đặc biệt quan tâm trong bối cảnh còn nhiều nghi ngại về chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với khu vực này. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama đã bị thay thế bằng chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.
Một trong những hành động đầu tiên của "sự quay lưng" này là việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tiếp đến, Mỹ khơi mào cho một cuộc chiến thuế quan với các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và các thành viên thuộc Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - động thái nguy hiểm có thể gây tổn hại không nhỏ tới lợi ích của các nước Đông Nam Á. Nhiều nước đã đặt câu hỏi về đường hướng hợp tác kinh tế của Mỹ với khu vực.
Vì vậy, chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Pompeo là cơ hội để Mỹ “làm rõ và xây dưng lập trường thống nhất” hơn về chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á nói riêng và khẳng định chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ quan hệ đối tác với ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời tái đảm bảo với các nước Đông Nam Á rằng chiến lược này ở mức độ nào đó, khi được đúc kết thành cơ chế hợp tác "Đối thoại tứ giác" (Ấn Độ - Mỹ - Australia - Nhật Bản) không có nghĩa là loại trừ hoặc giảm bớt vai trò của Đông Nam Á.
Khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" mà Bộ trưởng Mattis đưa ra gồm 4 yếu tố: tập trung vào lĩnh vực hàng hải và bảo vệ các quyền tự do hàng hải; xây dựng mạng lưới đồng minh, đối tác; đẩy mạnh quy phạm pháp luật, minh bạch trong điều hành chính phủ; phát triển kinh tế với vai trò đi đầu của lĩnh vực tư nhân.
Cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đang trở nên quen thuộc và dần thay thế cho cụm từ “châu Á - Thái Bình Dương”. Khái niệm này lần đầu tiên được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra từ năm 2007 khi ông khởi động đối thoại an ninh “Bộ Tứ” giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Giữa lúc sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương, đặc biệt khi Bắc Kinh đang nỗ lực tạo ra một “cú hích” để trở thành một cường quốc thương mại thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, giới phân tích chính trị coi khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển trọng tâm vào các nước thuộc khu vực này.
Với những cam kết mạnh mẽ về hỗ trợ tài chính và đảm bảo an ninh cho ASEAN, Ngoại trưởng Pompeo đã phần nào giải đáp những băn khoăn của các nước về chính sách đối với khu vực của chính quyền Washington, cụ thể hóa hơn những tuyên bố của giới chức Mỹ trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các ý tưởng đầu tư về kỹ thuật, năng lượng và hạ tầng trị giá 113 triệu USD khó thuyết phục được các quốc gia vốn có mối liên hệ mật thiết với hệ thống cung ứng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Malcolm Cook, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá các nước Đông Nam Á quan tâm nhiều hơn về hậu quả đối với họ do những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gây ra hơn là việc họ có thể được lợi ích gì từ gói đầu tư 113 triệu USD này. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng nhận định rằng châu Á “cực kỳ dễ bị tổn thương” trước chiến tranh thương mại do sự gắn kết giữa các nước trong chuỗi cung ứng.
Vì vậy, để thực sự trấn an được các đồng minh và củng cố ảnh hưởng trong khu vực, chính quyền Mỹ cần có những bước đi tích cực cùng các chính sách hài hòa hơn với lợi ích của các đối tác, từ đó hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, thịnh vượng.