Cụ thể, hãng tin Reuters (Anh) dẫn nội dung một lá thư của Văn phòng Bản quyền Mỹ nêu rõ tiểu thuyết đồ họa "Zarya of the Dawn" của tác giả Kris Kashtanova được cấp bản quyền cho những phần gồm phần văn bản do tác giả viết và bố cục hình ảnh do tác giả sắp xếp. Riêng phần ảnh do Midjourney sáng tạo không được cấp bản quyền. Trong nội dung bức thư, Văn phòng trên cho biết sẽ đăng ký lại cho tác phẩm "Zarya of the Dawn", không tính phần hình ảnh không phải sản phẩm do con người tạo ra và không được cấp bản quyền.
Trong khi đó, tác giả Kashtonova bày tỏ hài lòng với quyết định của văn phòng cho phép bảo vệ tác quyền cho phần cốt truyện và bố cục hình ảnh, vốn đã bao trùm nhiều nội dung sử dụng cho cộng đồng sáng tạo nghệ thuật AI. Tác giả này cho biết đang cùng các cộng sự tìm cách để chứng minh những hình ảnh này đáng được cấp bản quyền vì chúng là cách thể hiện trực tiếp những sáng tạo của tác giả.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các phần mềm AI tạo sinh- có khả năng sáng tạo văn bản, hình ảnh... như Midjourney, Dall-E và ChatGPT đang nổi lên nhanh chóng. Midjourney là một hệ thống AI tạo các hình ảnh dựa trên văn bản được người dùng đưa vào. Theo đó, Kashtonova đã viết phần cốt truyện của "Zarya of the Dawn," còn Midjourney tạo ra phần hình ảnh dựa trên nội dung mà tác giả đưa vào hệ thống.
Hồi tháng 10/2022, Văn phòng Bản quyền Mỹ đã thông báo tới tác giả Kashtanova về việc xem xét lại giấy phép bản quyền cho tác phẩm vì trong đơn xin cấp bản quyền trước đó không đề cập vai trò của Midjourney. Ngày 21/2 vừa qua, văn phòng trên thông báo sẽ chỉ cấp bản quyền cho phần văn bản và bố cục hình ảnh do tác giả Kashtanova lựa chọn và sắp đặt, đồng thời nêu rõ tác giả Kashtanova không phải là người trực tiếp tạo ra những hình ảnh. Văn phòng này lý giải khác với những công cụ truyền thống được các nghệ sĩ sử dụng để sáng tạo nghệ thuật, Midjourney tạo ra sản phẩm mà chính người nghệ sĩ cũng không đoán được sẽ ra sao, cho rằng điều này không phù hợp với mục đích cấp bản quyền.