Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Marc Knapper (ảnh, phải). Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc gặp với một nhóm phóng viên tại Seoul, ông Knapper cho rằng Triều Tiên cần phải chứng tỏ sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội đối thoại để đạt được tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa. Quan chức trên đồng thời nhấn mạnh kế hoạch nghỉ hưu của Đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên, ông Joseph Yun không làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ chỉ tiến hành hội đàm với Bình Nhưỡng khi giới lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố trên được cho là làm rõ hơn động thái trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông nhấn mạnh các cuộc đối thoại với Triều Tiên chỉ thực hiện được "khi có các điều kiện thích hợp", song không nêu rõ đó là những điều kiện gì.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 28/2, giới chuyên gia Hàn Quốc cảnh báo các biện pháp trừng phạt của quốc tế có thể sẽ đẩy nền kinh tế Triều Tiên lún sâu vào khủng hoảng.
Ông Lee Suk - nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), cho rằng các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đã làm giảm kim ngạch thương mại của Triều Tiên trong năm 2017, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và sản lượng nông nghiệp sụt giảm. Sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên trong năm ngoái ước đạt 4,71 triệu tấn, giảm 2% so với một năm trước đó.
Trong khi đó, các chuyên gia thuộc Viện Thương mại, Kinh tế công nghiệp Hàn Quốc cũng nhận định các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và khai mỏ của Triều Tiên đều bị đình trệ hoặc suy giảm so với năm 2016. Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế mà nhiều nước áp đặt đối với Triều Tiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm này có thể là do Triều Tiên vừa trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng.