Chính phủ Mỹ quyết định kiện Ấn Độ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có trụ sở chính ở Geneva (Thụy Sĩ), với cáo buộc Ấn Độ phân biệt đối xử với các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời của Mỹ.Trong một thông báo ngày 6/2, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk, khẳng định việc chương trình năng lượng mặt trời quốc gia của Ấn Độ quy định các nhà sản xuất năng lượng mặt trời phải sử dụng pin và module do các công ty Ấn Độ sản xuất đã đặt các nhà sản xuất nước ngoài vào vị thế bị thua thiệt.
Hệ thống điện mặt trời của tập đoàn Intel, Mỹ. Nguồn: Internet.
|
Trên thực tế, Ấn Độ đã ngầm ủng hộ các nhà sản xuất năng lượng mặt trời trong nước khi bắt đầu triển khai chương trình năng lượng mặt trời quốc gia kể từ ngày 11/1/2010. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ còn cam kết sẽ mua điện mặt trời của các công ty tham gia chương trình này với mức thuế đã được trợ cấp.
Phía Mỹ cho rằng Ấn Độ đã sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để giới hạn các công ty Mỹ tiếp cận thị trường. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố chương trình năng lượng mặt trời quốc gia của Ấn Độ dường như nhằm bảo vệ ngành năng lượng mặt trời trong nước và ngăn cản hàng xuất khẩu của Mỹ.
Ông Kirk cam kết chính quyền Mỹ sẽ bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời để có được sự cạnh tranh bình đẳng.
Mỹ đã yêu cầu tư vấn với Ấn Độ, bước đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO. Theo quy định của WTO, nếu vấn đề này không được giải quyết thông qua tư vấn trong vòng 60 ngày, Mỹ có thể yêu cầu thành lập ban giải quyết tranh chấp tại WTO.
Đại diện Thương mại Kirk cho biết USTR sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại nhằm bảo vệ việc làm ở trong nước không bị tác động do các biện pháp hạn chế không công bằng của nước ngoài. Hiện Mỹ đã đệ 6 đơn kiện Ấn Độ lên WTO trong khi Ấn Độ cũng kiện lại Mỹ ở 8 hạng mục liên quan đến thương mại.
TTXVN/ Tin tức