Ngày 2/4, Mỹ đã cáo buộc Ngân hàng Hoàng gia, lớn nhất của Canađa (RBC) phạm tội rửa hàng trăm triệu đô la thông qua buôn bán gian lận. Ủy ban kinh doanh hàng hóa kỳ hạn của Mỹ (CFTC) đã nộp đơn lên Tòa án liên bang ở thành phố New York, kiện RBC thực hiện kế hoạch "rửa nhiều trăm triệu đô la" thông qua buôn bán, trao đổi các hợp đồng cổ phiếu kỳ hạn. Kế hoạch này bị cáo buộc là một phần trong chiến lược của RBC nhằm kiếm được các khoản lợi nhuận lớn từ thuế của Canađa thông qua việc nắm giữ, buôn bán cổ phiếu của các công ty nhà nước có tài khoản giao dịch ở trong và ngoài lãnh thổ Canađa.
Mỹ cáo buộc RBC phạm tội rửa hàng trăm triệu đô la thông qua buôn bán gian lận. Ảnh: Internet. |
CFTC cũng buộc tội RBC che đậy và cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa trong các giao dịch buôn bán có kỳ hạn. Chẳng hạn, từ tháng 6/2007 - 5/2010, RBC đã buôn bán với hai công ty con của nó các hợp đồng chứng khoán NBI và SSF có thời hạn, trị giá hàng trăm triệu đôla, song Ngân hàng này lại coi đây là"thương vụ nội khối" trong hệ thống buôn bán điện tử OneChicago.
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canađa Mark Carney cho biết nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu trì trệ của nước này là do quan hệ thương mại quá chặt chẽ với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Canađa, cùng với việc xuất khẩu còn hạn chế vào các thị trường mới nổi khác. Ông cho biết kim ngạch xuất khẩu của Canađa đã giảm mạnh tới 16% trong suốt thời kỳ suy thoái trước đây, và cuối năm ngoái còn duy trì ở mức thấp hơn khoảng 8% so với thời kỳ đầu suy thoái.
Trong một thập kỷ qua, thị phần xuất khẩu của Canađa vào thị trường toàn cầu đã giảm từ 4,5% xuống còn 2,5%, riêng thị phần xuất khẩu hàng chế tạo máy của nước này đã giảm một nửa. Tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn mức trung bình của thế giới gần 5% hàng năm đã đẩy Canađa vào vị trí xuất khẩu kém thứ hai trong Nhóm các quốc gia giầu và đang phát triển nhất thế giới (G-20).
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc phục hồi chậm của nền kinh tế Mỹ và việc tiếp tục duy trì đồng đôla Canađa mạnh trong thời gian dài đã đẩy cao giá hàng xuất khẩu của Canađa là nguyên nhân chính làm cho kim ngạch xuất khẩu của nước này bị giảm sút.
TTXVN/Tin tức