Những thông tin được tiết lộ trong tuần qua cho thấy nước Mỹ đang lạc lối trong cuộc chiến chống khủng bố. Những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố đang tạo ra tác dụng trái chiều ở nước ngoài và vi phạm những quyền cơ bản ngay trên đất Mỹ.Tổng thống Obama đang phải đau đầu ứng phó với dư luận trong và ngoài nước. Ảnh: Internet |
Những vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã và đang cướp đi sinh mạng của rất nhiều thường dân vô tội tại hai quốc gia Pakistan và Yemen. Trong khi đó, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) lại đang nghe lén khoảng hàng chục triệu cuộc gọi điện thoại trên toàn thế giới, bao gồm cả những cuộc điện thoại của 35 vị lãnh đạo nước ngoài, dưới danh nghĩa vì an ninh nước Mỹ.
Bộ an ninh nội địa Mỹ thì lại đang sử dụng các thuật toán trên máy tính để “kiểm tra trước” những người du lịch, trước khi họ bước lên các chuyến bay nội địa, xem xét từ các cơ sở dữ liệu của chính phủ cho đến cá nhân bao gồm cả mã số thuế, đăng kí xe hơi và thống kê tài sản.
Lẽ dĩ nhiên, các quan chức chính quyền Tổng thống Obama có trách nhiệm bảo vệ công dân Mỹ khỏi khủng bố. Nhưng việc giám sát "quá đà" như của NSA với thứ văn hóa xâm phạm chưa từng thấy tới các thông tin riêng tư cũng như những luật lệ tuyệt mật về việc dùng máy bay không người lái tấn công người nước ngoài, thậm chí là công dân Mỹ, vào lúc nào và như thế nào là điều không thể chấp nhận và không cần thiết.
Có thể nói, 12 năm sau sự kiện kinh hoàng 11/9 xảy ra tại nước Mỹ, việc giám sát của quốc gia này với tổ chức khủng bố al-Qaeda đang hủy hoại chính nó nhiều hơn là hủy hoại các phần tử khủng bố.
Trong tuần qua, với sự xuất hiện thêm những tài liệu bị rò rỉ bởi cựu nhân viên NSA Edward Snowden, việc NSA giám sát các cuộc điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng với 35 nhà lãnh đạo quốc gia khác và nghe lén khoảng 70 triệu cuộc gọi tại Pháp đã gây nên những sóng gió mới cho chính quyền Obama. Không chỉ dừng lại ở đó, mức độ “phủ sóng” của chương trình giám sát trên còn gây tổn hại đến các tổ chức chống khủng bố chung tại Đức, Pháp và Mỹ.
Từ thủ đô Berlin, Đức, cây bút Roger Cohen của tờ Thời báo New York đã viết: “Quan điểm ở đây là về một nước Mỹ nơi mà an ninh đã lấn át quyền tự do”. Các cơ quan tình báo hoạt động một cách điên cuồng, thu thập dữ liệu bất kể của bạn bè hay kẻ thù. Nếu như cơ chế “kiểm tra và cân bằng” theo hình thức tam quyền phân lập của chính phủ Mỹ từng được ngưỡng mộ một thời và được trẻ em châu Âu học tập thì giờ đây nó đã "biến tướng", trở thành việc bí mật xem xét những hoạt động riêng tư ở “nơi mà những tranh cãi phản đối không bao giờ vang tới”.
Cũng trong tuần qua, hai bản báo cáo mới được Tổ chức Ân xá quốc tế và Cơ quan giám sát nhân quyền đưa ra đã cung cấp những chi tiết về hàng loạt cái chết của dân thường, nạn nhân của các vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan và Yemen. Trong khi đó, theo những tài liệu mà tờ Bưu điện Washington nắm giữ, các quan chức CIA, những người ra lệnh hành các cuộc tấn công trên, lại hầu như không mấy bận tâm đến việc xác định thông tin về những cái chết đó.
Sarah Holewinski, trưởng Trung tâm vì Dân thường trong các cuộc xung đột, đã kêu gọi chính quyền Obama thực hiện lời hứa tước bỏ quyền ra lệnh triển khai các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khỏi tay CIA và trao quyền đó cho quân đội Mỹ và cho rằng, quá trình chuyển đổi đang diễn ra hết sức chậm chạp.
Theo Sarah, sự kiểm soát của quân đội sẽ là một bước tiến nhắm tới một mục đích quan trọng hơn: Sự minh bạch. Việc CIA kiểm soát các vụ tấn công bằng máy bay không người lái như là một chương trình bí mật khiến cho trách nhiệm giải trình và xác định con số dân thường thương vong thật sự trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.
Nhưng nếu hoạt động này đặt dưới quyền giám sát của quân đội và thông tin được công bố rộng rãi, thì những báo cáo về thương vong của dân thường có thể được điều tra theo luật quân đội và những khoản đền bù sẽ được trả cho nạn nhân.
Việc làm minh bạch thông tin về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, chương trình giám sát của NSA và chương trình "tiền giám sát" hành khách trên các chuyến bay nội địa sẽ giúp xây dựng lòng tin ngay chính tại nước Mỹ và tạo dựng sự gắn kết với tổ chức chống khủng bố ở nước ngoài.
Sự thật là có một lời đe dọa khủng bố nhắm vào nước Mỹ. Và chính quyền Mỹ đang phải chịu áp lực lớn trong việc đảm bảo rằng các cuộc tấn công khủng bố sẽ không xảy ra. Nhưng có nhiều cách để nước Mỹ tự bảo vệ mình mà không làm dấy lên sự phản kháng nghiêm trọng như hiện nay, ở cả trong và ngoài nước.
Nếu có một ý tưởng mà Tổng thống Obama cần phải tập trung vào thì đó chính là ý tưởng về sự minh bạch. Bởi minh bạch là sức mạnh chứ không phải là điểm yếu.
A.M (
Theo Reuters)