Theo trang The Guardian, vào cuối năm ngoái, khi con trai của Nia Heard-Garris nghe tin vaccine COVID-19 được cấp phép sử dụng cho người lớn ở Mỹ, cậu bé đã rất vui mừng và hỏi mẹ: “Nhưng còn chúng con thì sao? Trẻ em có được tiêm chủng không?”.
Đến năm nay, cậu bé 8 tuổi cuối cùng cũng đã được đăng ký tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên vào cuối tuần này. Mặc dù rất sợ kim tiêm, nhưng cậu bé vẫn rất nóng lòng được tiêm chủng để có thể trở lại cuộc sống bình thường của một đứa trẻ - được tới trường, đi chơi với bạn bè, chơi thể thao – mà không lo mắc bệnh hoặc mang virus về nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trên 360.000 trẻ em dưới 12 tuổi đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Vaccine COVID-19 đã được triển khai cho 28 triệu trẻ em trong độ tuổi này vào tuần trước.
Tuy nhiên, một số phụ huynh Mỹ vẫn do dự về các loại vaccine. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 10, chỉ 27% cha mẹ cho biết họ sẽ đưa con mình đi tiêm chủng ngay lập tức, giảm so với mức 34% được hỏi vào tháng 9. Trong khi đó, 30% phụ huynh cho biết họ “chắc chắn không” tiêm chủng cho con mình, tăng so với mức 24% của tháng trước.
Mặc dù vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên đã có sẵn từ vài tháng nay, nhưng chỉ một nửa trẻ nhóm tuổi này đã được chủng ngừa. Hơn ai hết, với tư cách là một người mẹ, bà Heard-Garris - bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Lurie Chicago, Giáo sư nhi khoa tại Đại học Northwestern - hiểu rất rõ những lo lắng này.
Nghiên cứu của bà và các đồng nghiệp chỉ ra rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch có tỷ lệ do dự cao nhất đối với vaccine COVID-19 dành cho trẻ em. Cha mẹ da màu thường do dự hơn cha mẹ da trắng, và các gia đình có bảo hiểm công và thu nhập thấp hơn có xu hướng lưỡng lự tiêm chủng cho con mình hơn.
Song nghiên cứu cũng cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ. Đó là các bậc cha mẹ nhận được thông tin về vaccine từ nhiều nguồn khác nhau sẽ ít do dự tiêm chủng cho con mình hơn, với gần 2/3 phụ huynh lo lắng về tác dụng lâu dài của vaccine. Trong khi đó, những phụ huynh có thu nhập thấp lại đặc biệt quan tâm về việc bỏ lỡ các cuộc hẹn tiêm chủng, trả tiền cho các mũi tiêm và không thể nhận vaccine từ một nguồn đáng tin cậy.
Tại Mỹ, vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đang được cung cấp tại các hiệu thuốc địa phương, phòng khám nhi khoa, bác sĩ gia đình, bệnh viện nhi và phòng khám tại các trường học. Heard-Garris còn lo ngại hơn nữa về “những đứa trẻ không được tham gia vào hệ thống chăm sóc sức khỏe hoặc các dịch vụ chăm sóc y tế toàn diện”.
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trong tuần triển khai vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, trên 100.000 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Kể từ khi đại dịch bùng phát, đã có khoảng 6,5 triệu trẻ mắc COVID-19. CDC báo cáo có 474 trẻ em trong độ tuổi từ 5-18 tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Trong vài tháng, trẻ em đã chiếm 1/4 số ca mắc mới ở Mỹ. Gánh nặng không cân xứng này vẫn tồn tại bất chấp vaccine sẵn có cho nhóm trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Bác sĩ gây mê Jorge Caballero, đồng sáng lập Coders Against Covid, đã phát hiện ra rằng các cộng đồng da trắng có tỉ lệ tiêm chủng nhiều gấp đôi so với các cộng đồng dân cư khác. Ông cho biết tỉ lệ tiêm chủng cao ở trẻ em có xu hướng tập trung ở những khu vực giàu có hơn. Caballero gọi đó là “một ưu tiên khác cho các cộng đồng dân cư chủ yếu là người da trắng”.
Ông nói rằng mối quan tâm về vaccine gần như ngang nhau giữa các nhóm chủng tộc và dân tộc, nhưng khả năng tiếp cận giữa các nhóm dường như không cân xứng. Caballero lo ngại về khả năng tiếp cận bình đẳng vaccine với trẻ em và đang kêu gọi CDC cung cấp dữ liệu minh bạch về chủng tộc và sắc tộc của những đứa trẻ đã được tiêm chủng.
“Những bất bình đẳng này phản ánh sự chênh lệch tương tự việc xét nghiệm và tiêm chủng cho người lớn trước đây. Chúng ta đang tiếp tục lặp lại những sai lầm đó. Chỉ là chúng ta không đủ chủ động trong việc thu hẹp khoảng cách này”, ông nhận định.
Giáo sư Heard-Garris cho rằng các chiến dịch tiêm chủng cần xem xét những tác động của tình trạng phân biệt chủng tộc đang diễn ra.
“Nếu một người phải làm 3 công việc cùng một lúc, trong khi phòng tiêm chủng chỉ mở cửa từ 8h sáng đến 5h chiều và họ không thể bỏ lỡ công việc của mình. Chúng ta cần làm thế nào để đảm bảo có thể lên lịch tiêm chủng cho những trường hợp này. Nếu trẻ em tham gia tiêm chủng sau giờ học, chúng ta cần đặt một điểm tiêm chủng ở đó”, bà nói.
Chẳng hạn, Heard-Garris cho biết trường học của con trai bà đã gửi email cung cấp các lịch hẹn khác nhau giúp phụ huynh dễ dàng đặt lịch tiêm chủng cho con để cậu bé không cần phải nghỉ học.
“Đại dịch đã làm gián đoạn hoàn toàn không chỉ cuộc sống của người lớn, mà còn cả trẻ em. Trường học đóng cửa, những đứa trẻ không thể đi dự tiệc sinh nhật và kết nối với nhau. Vaccine không chỉ quan trọng vì chúng cứu được mạng sống chúng ta, chúng cũng rất quan trọng khi có thể kết nối lại những mối liên hệ xã hội-tình cảm mà chúng ta đã đánh mất”, Heard-Garris nói.