Ông Lopez là một trong nhiều chuyên gia y tế tin rằng việc chậm tiêm chủng là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan nhanh biến thể của virus. Ông cho biết việc chậm trễ trong tiêm chủng tại Mexico và các nước Mỹ Latinh đã làm lây lan biến thể mới, đe doạ sức đề kháng của con người.
Trong khi giới chuyên gia đang tranh cãi về việc liệu các loại vaccine hiện nay có thể "phòng ngự" trước các biến thể mới hay không, ông Lopez khẳng định vaccine có giá trị trong việc bảo vệ con người ở một mức nào đó. Thực tế cho thấy những người được tiêm đã có phản ứng miễn dịch với virus. Tuy nhiên, chuyên gia Lopez thúc giục mọi người không phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiêm chủng. Ông bày tỏ lo ngại giới trẻ đang trở thành những nhóm dễ bị tổn thương vì chưa được tiêm, đồng thời kêu gọi giáo dục về y tế và các biện pháp bảo vệ cụ thể, cho rằng đây mới là chìa khoá để ngăn chặn dịch bệnh. Ông kêu gọi: “Mọi người phải nhận thức rằng đeo khẩu trang chống dịch giống như dùng áo mưa hay ô mỗi khi trời mưa”.
Theo số liệu tại trang Our World in Data, tại khu vực Mỹ Latinh, Chile và Uruguay đã tiêm chủng cho hơn một nửa dân số trong khi Argentina, Brazil, Colombia và Mexico mới tiêm cho gần 1/4 dân số. Theo Tổ chức y tế liên châu Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 47 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Mỹ đã ghi nhận ít nhất một biến thể mới, trong đó 11 nước đã ghi nhận cả 4 biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Hiện biến thể Delta đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và là nguyên nhân chính gây ra các đợt bùng phát dịch mới, khiến nhiều nơi buộc phải phong toả hoạt động kinh tế.