PAHO đã nhiều lần cảnh báo rằng các nước nghèo nhất ở Mỹ Latinh và Caribe sẽ tụt hậu so với các nước giàu nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 và sự chậm trễ sẽ khiến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất đối mặt rủi ro.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, Giám đốc PAHO Carissa Etienne nhấn mạnh: “Khi các phương pháp điều trị mới đạt được sự chấp thuận cuối cùng, các quốc gia và công ty phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng tất cả những người có thể hưởng lợi từ những phương pháp này đều có thể được tiếp cận kịp thời, với mức giá mà các quốc gia của chúng ta có thể chi trả”.
Bà Carissa Etienne cho biết, với chức năng là văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PAHO đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và sẽ hỗ trợ các quốc gia, tổ chức quốc tế và các công ty đảm bảo tiếp cận các phương thức điều trị trong tương lai, ví dụ như thuốc kháng virus.
Giám đốc PAHO kêu gọi các công ty dược phẩm thiện chí và chia sẻ công khai những công nghệ và nguồn lực liên quan với tất cả các quốc gia để châu Mỹ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống COVID-19.
Liên quan đến diễn biến của đại dịch COVID-19 trong khu vực, bà Etienne đánh giá tình hình dịch bệnh năm 2021 đang tồi tệ hơn với số ca mắc mới và tử vong do virus SARS-CoV-2 cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng chưa được triển khai nhanh chóng và nhất quán như mong đợi, hàng triệu người Mỹ Latinh vẫn chưa được tiêm ngừa COVID-19. Các số liệu chính thức cho thấy chỉ khoảng 56% người dân khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã được tiêm chủng đầy đủ. Các ca nhiễm mới COVID-19 trong khu vực đã tăng 18,4% trong tuần trước lên 926.056 ca. Mỹ, Canada, Ecuador, Paraguay, Uruguay và nhiều vùng của Caribe đều ghi nhận số ca mắc mới tăng đột biến.
Trước đó, ngày 14/12, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo các cuộc thử nghiệm cuối cùng cho thấy thuốc kháng virus dạng viên uống do hãng này phát triển có khả năng giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao, đồng thời có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Pfizer tiết lộ đang đàm phán với các cơ quan quản lý để được cấp phép điều trị.
Đối thủ cạnh tranh của Pfizer là Merck & Co cũng đã nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp cho thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19 do hãng này nghiên cứu và phát triển.