So với giai đoạn đỉnh dịch cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ tới tháng 7 vừa qua là khá khả quan, số ca mắc mới và tử vong đều giảm nhờ việc chính quyền đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine diện rộng.
Đây là cơ sở để Chính phủ của Tổng thống Biden chủ trương mở cửa lại nền kinh tế, mở cửa đất nước, dỡ bỏ một phần những biện pháp phòng dịch áp đặt suốt 1 năm qua nhằm hạn chế tối đa số người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng, đề nghị giấu tên, cho biết Chính phủ Mỹ muốn mở cửa để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngành hàng không, dịch vụ và du lịch.
Tuy nhiên, Nhà Trắng chưa sẵn sàng dỡ bỏ mọi biện pháp phòng dịch trong bối cảnh biến chủng Delta bùng phát khiến dịch bệnh lại diễn biến nghiêm trọng. Quan chức trên cho hay Chính quyền Tổng thống Biden có các nhóm chuyên viên liên ngành đang nghiên cứu "một hệ thống mới sẵn sàng cho thời điểm nước Mỹ có thể mở cửa lại hoạt động du lịch", bao gồm "một chính sách theo từng giai đoạn mà theo thời gian thì công dân nước ngoài (từ tất cả các quốc gia) khi tới Mỹ cần phải được tiêm chủng đầy đủ”. Phát biểu này là tín hiệu rõ ràng nhất tới thời điểm này rằng Mỹ sẽ nới lỏng các hạn chế nhập cảnh vì đại dịch COVID-19.
Thời gian gần đây, giới chức Nhà Trắng đã xúc tiến các cuộc thảo luận với các hãng hàng không và một số cơ quan khác về việc nước này sẽ áp dụng chính sách yêu cầu tiêm vaccine với người nước ngoài như thế nào. Đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm vì chính quyền Tổng thống Biden cần làm rõ rằng liệu Washington có chấp nhận hay không các loại vaccine COVID-19 một số quốc gia đang sử dụng song lại chưa được phê chuẩn tại Mỹ.
Tới nay, Mỹ chủ yếu yêu cầu người nhập cảnh qua đường không phải tiêm vaccine trước khi vào nước này. Theo nguồn tin trên, quan chức Mỹ không trả lời câu hỏi liệu nhà chức trách Mỹ có kế hoạch yêu cầu người nhập cảnh đường bộ từ Mexico và Canada phải tiêm đủ vaccine hay không.
Các biện pháp hạn chế nhập cảnh đang áp dụng sẽ còn hiệu lực trong “ít nhất vài tuần tới” và thời điểm triển khai kế hoạch mới nêu trên vẫn chưa được ấn định.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ngày 30/7, ban hành hướng dẫn mới nêu rõ những người đã tiêm đủ liều vaccine có thể đi lại an toàn tại Mỹ, song họ vẫn nên đeo khẩu trang khi đi máy bay hay các phương tiện giao thông công cộng khác. Theo CDC Mỹ, nghiên cứu gần đây về hiệu quả của vaccine COVID-19 cho thấy nguy cơ mắc bệnh với những người đã tiêm vaccine là thấp hơn và họ có thể đi lại mà không cần cách ly hay tiến hành xét nghiệm virus. Tuy nhiên, nếu một người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh thì nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như ở những người chưa được tiêm vaccine.
CDC cũng cảnh báo sự nguy hiểm của biến chủng mới Delta. Biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là kết quả một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, công bố 30/7. Với kết quả này, giới chức y tế liên bang Mỹ điều chỉnh khuyến nghị rằng những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín.
Biến thể Delta của virus SARS- CoV-2 đang xuất hiện khắp nước Mỹ có khả năng khiến bệnh nhân chuyển bệnh nặng và lây lan dễ dàng như virus gây bệnh thủy đậu. Phát biểu trên chương trình của CNN, Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết với các biến thể trước đây, người đã tiêm phòng rất hiếm khi nhiễm virus và chúng tôi không thấy nguy cơ họ truyền virus cho người khác. Tuy nhiên, các cuộc điều tra trong vài tuần qua cho thấy cả những người đã tiêm chủng, nếu tiếp xúc với biến thể Delta “cũng có thể lây truyền cho người khác”. Các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cũng có nguy cơ chuyển bệnh nặng.
Trước diễn biến mới, Tổng thống Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ yêu cầu toàn bộ nhân viên liên bang phải tiêm phòng hoặc sẽ đối mặt với các quy định ngặt nghèo. Trên thực tế, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ đã tăng đều đặn trong 3 tuần vừa qua, đặc biệt ở một số bang miền Nam, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp vì có nhiều người do dự.