Ngày 27/8, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Samantha Power nhấn mạnh việc bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến Washington bị cô lập về ngoại giao và làm suy yếu đáng kể chính sách đối ngoại đối ngoại của Mỹ. Trong một bài báo được đăng trên trang web Politico, bà Power cho rằng các nhà ngoại giao của 193 quốc gia thành viên LHQ đang theo dõi sát sao cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Do đó, việc bác bỏ thỏa thuận này sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng đạt được các mục tiêu lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Washington. Phần lớn các mục tiêu này trong năm 2015 đòi hỏi Mỹ phải huy động được các liên minh quốc tế rộng rãi. Bà khẳng định động thái bác thỏa thuận sẽ gây phương hại cho Mỹ nhiều hơn là cho Iran.
Dự kiến Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận trên trong tháng 9 sau khi kết thúc quá trình xem xét 60 ngày. Các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng nếu văn kiện này được thông qua, phần lớn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran sẽ có thể được dỡ bỏ vào mùa xuân tới. Phía Iran cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ trong vòng từ 2-3 tháng.
Các nghị sỹ Cộng hòa đã công khai phản đối thỏa thuận này trong khi Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào ngăn chặn thỏa thuận nói trên. Phe Cộng hòa đang tiến gần tới mục tiêu có đủ số phiếu cần thiết để thông qua một dự luật ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân Iran, song họ sẽ đối mặt với thách thức lớn nếu muốn giành đủ đa số 60 phiếu để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống.
Với 246 ghế đang nắm giữ tại Hạ viện, các nhà lập pháp Cộng hòa dễ dàng vượt quá một đa số tối thiểu 218 phiếu để bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran ở Hạ viện. Tuy nhiên, “cuộc chiến” tại Thượng viện khó khăn hơn nhiều. Trong 5 tuần trở lại đây, số nhà lập pháp Dân chủ ủng hộ thỏa thuận ngày càng tăng.
Tại Thượng viện, tới nay mới chỉ có 2 Thượng nghị sỹ Dân chủ là Bob Menendez và Charles Schumer công khai tuyên bố phản đối thỏa thuận. Do đó, phe Cộng hòa cần phải nhận thêm được 4 lá phiếu của các Thượng nghị sỹ Dân chủ để bác thỏa thuận này.
Theo thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và các cường quốc, Tehran sẽ cho phép việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là cho phép các thanh sát viên LHQ tới giám sát các cơ sở quân sự. Lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã được thống nhất với 6 cường quốc thế giới, bên cạnh đó lệnh cấm vận vũ khí của LHQ tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa.