Người dùng mạng xã hội mới đây tỏ ra bất ngờ trước hình ảnh một máy bay vận tải A400 M của Pháp thả pháo sáng mồi khi cất cánh từ sân bay ở thủ đô Kabul. Máy bay trực thăng Apache của Mỹ cũng nhiều lần thực hiện thả pháo sáng. (Xem video dưới đây. Nguồn: ITV Turkey).
Nguyên nhân là bởi rất có thể quân Taliban, khủng bố IS và các nhóm có liên hệ với tổ chức Al Qaeda hoạt động tại Afghanistan hiện nắm trong tay nhiều tên lửa tầm nhiệt, có khả năng đe dọa đối với các máy bay sơ tán ở trần bay thấp.
Khi Liên Xô can dự tại Afghanistan trong thập niên 1980, Mỹ đã viện trợ hàng trăm tên lửa vác vai Stinger cho lực lượng Hồi giáo thánh chiến (mujahideen), giúp quân mujahideen có được vũ khí chủ lực diệt trực thăng của Liên Xô. Khi Afghanistan lâm vào nội chiến và Liên Xô quyết định rút quân vào năm 1989, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tìm mọi cách để mua lại vũ khí này, nhưng không có kết quả. Không chỉ có Stinger, Taliban được cho là có cả tên lửa SA-7 của Liên Xô.
Theo thông tin sơ bộ, sau hàng chục năm xảy ra xung đột và nội chiến, hiện có khoảng hơn 250 hệ thống tên lửa vác vai cùng với 600 quả tên lửa chưa thể thống kê ở Afghanistan. Tài liệu rò rỉ từ quân đội Mỹ hồi năm 2010 cho biết rất có thể Taliban đã sử dụng vũ khí này trong vụ bắn hạ trực thăng Chinook của Mỹ hồi năm 2007, làm toàn bộ phi hành đoàn tử nạn.
Trước các đòn tấn công bằng kiểu tên lửa tầm nhiệt đời cũ, phóng pháo sáng mồi được cho là biện pháp hiệu quả nhất đối với các máy bay. Lượng magiê có trong pháo sáng mồi khi cháy có thể tạo ra nhiệt độ lên tới 1.000 độ C, cao hơn cả nhiệt độ phát ra từ động cơ máy bay. Tên lửa tầm nhiệt sẽ bị 'nhầm lẫn' trước sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, lao vào pháo sáng mồi thay vì vị trí chính xác của máy bay.