Thông qua trang chủ, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ ngày 16/4 (giờ địa phương) đã công bố tài liệu giải thích liên quan đến thương mại và hỗ trợ nhân đạo để đối phó với COVID-19, giới thiệu phạm vi và đối tượng được miễn cấm vận cho Triều Tiên, Iran và Venezuela.
Theo tài liệu trên, chương trình cấm vận Triều Tiên của OFAC hạn chế Bình Nhưỡng truy cập hệ thống tài chính quốc tế, song lại đang cho phép một số hoạt động nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các tổ chức phi chính phủ có thể cung cấp thiết bị chẩn đoán virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, máy thở oxy, các vật dụng bảo hộ cá nhân như khẩu trang và dược phẩm cho Triều Tiên.
Cụ thể, Washington sẽ cấp phép "thông thường" đối với các trường hợp viện trợ y tế khẩn cấp và chuyển tiền cá nhân vì mục đích phi thương mại với hạn mức 5.000 USD/năm cho các nước bị cấm vận.
Các tổ chức phi chính phủ chỉ cần được cấp phép thông thường là có thể xuất khẩu, viện trợ các vật phẩm vì mục đích nhân đạo cho Triều Tiên như thực phẩm, quần áo, dược phẩm, vật dụng vệ sinh. Tuy nhiên, nếu không được Bộ Tài chính Mỹ cấp phép đặc biệt, các tổ chức phi chính phủ không được ký hợp đồng hợp tác mới với Chính phủ Triêu Tiên về cung cấp dịch vụ cho tầng lớp yếu thế ở nước này.
Trong báo cáo công bố ngày 9/4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ dự báo OFAC sẽ tiếp tục phê duyệt các trường hợp ngoại lệ trên phạm vi rộng, để biện pháp cấm vận không gây cản trở các công tác viện trợ nhân đạo liên quan tới dịch COVID-19 cho các nước bị cấm vận như Triều Tiên.