Binh sĩ tàu DDG-82 huấn luyện trên Biển Đông hồi tháng 10/2015. Ảnh: Reuters. |
Ngày 27/10/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter xác nhận trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện nước này rằng tàu khu trục USS Lassen (DDG-82) đã di chuyển vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ, tôn tạo trái phép.
Chưa đầy một tuần sau, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã thực hiện chuyến thăm tới Trung Quốc và “có cuộc trao đổi khá thú vị” với các nhà lãnh đạo quân đội cũng như hải quân nước này.
Trang “Tin tức Quốc phòng” cho biết tại buổi nói chuyện ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề quốc tế Mỹ (CSIS) hôm 27/1 vừa qua, Đô đốc Harris tiết lộ thêm rằng trong cuộc trao đổi với phía Trung Quốc đầu tháng 11 năm ngoái, hai bên đã bàn thảo về các cơ hội nhằm giảm căng thẳng giữa quân đội hai nước trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Harris nhấn mạnh là phía Trung Quốc có quan điểm khá cứng rắn về chủ quyền (phi pháp) đối với các hòn đảo trên Biển Đông và ông Harris đã nói rõ quan điểm cá nhân của mình rằng “những hòn đảo đó không thuộc về Trung Quốc, nhưng những hành động của Trung Quốc trong khu vực mang tính khiêu khích và đã làm gia tăng căng thẳng”.
Khoảng 3 tháng sau khi tuần tra ở vùng biển Trường Sa mà theo các quan chức hải quân Mỹ là cần thiết để khẳng định lập trường của Washington rằng các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông không thể được coi là có lãnh hải, phía Mỹ lại có động thái mới.
Hôm 30/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Wright xác nhận tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG-54) của Mỹ làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Theo báo “Đa chiều” có trụ sở ở Mỹ, cuối cùng, Mỹ đã mở “mặt trận thứ hai” trong cuộc đấu tranh trên Biển Đông. Khi cuộc đấu tranh Trung-Mỹ ở hướng Trường Sa lâm vào khó khăn, nếu Mỹ dấn thêm một bước rất có thể sẽ kích thích Trung Quốc tăng cường vũ trang quân sự các đá và bãi ngầm mà nước này tôn tạo (trái phép) tại đây, việc DDG-54 đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn đã khiến Hoàng Sa trở thành điểm nóng, làm Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngoại giao và dư luận lớn hơn.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 31/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17). Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”.