Phát biểu với báo giới trước khi lên đường tới New Hampshire dự một sự kiện chính trị, Tổng thống Trump cho biết Mỹ và Anh đang nhanh chóng hướng tới một thỏa thuận thương mại "lớn và tuyệt vời".
Ông nêu rõ: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận lớn và tuyệt vời với Anh. Chúng ta cần làm nhiều việc hơn nữa so với những gì chúng ta đang làm". Ông chủ Nhà Trắng cũng tái khẳng định lập trường ủng hộ tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, cho biết đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Anh vào ngày 14/8 và sẽ có cuộc trao đổi thêm với ông Johnson trong thời gian tới.
Ngày 13/8 vừa qua, một quan chức cấp cao trong Chính quyền Tổng thống Trump đã nói rằng hiện Mỹ và Anh đang thảo luận về một hiệp định thương mại từng phần, có thể có hiệu lực vào ngày 1/11 tới, một ngày sau khi Anh rời khỏi EU theo kế hoạch. Theo đó, giới chức hai nước đã thảo luận về khả năng hướng tới một hiệp định thương mại tạm thời bao trùm tất cả các lĩnh vực và thỏa thuận này có thể kéo dài trong 6 tháng.
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới. Thủ tướng Johnson dù hy vọng đảm bảo một cuộc chia tay "êm thấm", nhưng khẳng định sẽ thực hiện Brexit đúng thời hạn sau hai lần trì hoãn dù có hay không có thỏa thuận với EU. Hiện thỏa thuận được hai bên ký kết hồi cuối năm ngoái không được Quốc hội Anh ủng hộ, trong khi phía EU từ chối đàm phán lại và khẳng định đây là thỏa thuận tốt nhất. Sự bế tắc này khiến Anh đối mặt với nguy cơ cắt đứt quan hệ với EU một cách đột ngột, không có giai đoạn chuyển tiếp hay một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý trong các lĩnh vực như thương mại, truyền tải dữ liệu và chính sách biên giới, khiến giới doanh nghiệp bất an.
Trong khi đó, một thỏa thuận thương mại rộng với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Anh, luôn được phe ủng hộ Brexit nhắc đến như một "phần thưởng" lớn của Anh khi rời khỏi EU và được coi là công cụ "bọc lót" cho London trong trường hợp chịu thiệt hại vì gián đoạn thương mại với các thành viên EU.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc đạt thỏa thuận thương mại diện rộng sẽ không thể dễ dàng khi hai quốc gia vẫn tồn tại những vấn đề gai góc liên quan tới các tiêu chuẩn nông nghiệp khác biệt hay việc nhiều chính trị gia Anh phản đối sự gia tăng vai trò của các công ty dược phẩm Mỹ trong Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh.