Giá thực phẩm tăng 8,5% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, khi chi phí ăn ngoài tăng đến 8,8%. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chi phí ăn ngoài tăng 0,6% so với tháng trước đó. Nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội nhà hàng quốc gia Mỹ, ông Bruce Grindy giải thích sự gia tăng này là do giá thực phẩm tại các trường học tăng mạnh khi các chương trình bữa trưa miễn phí được áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 kết thúc.
Trong khi đó, giá thực phẩm ăn tại nhà tăng 8,4% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,3% so với tháng Hai. Giá trứng giảm 10,9% trong tháng Ba so với tháng trước đó, trong giá rau quả giảm 1,3%.
Suốt nhiều tháng qua, các siêu thị đã gây áp lực buộc các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống phải giảm giá vì người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu. Nhiều nhà cung cấp buộc phải làm theo khi doanh số của họ sụt giảm mạnh. Công ty kinh doanh hàng tiêu dùng đóng gói Conagra Brands và PepsiCo cho biết sẽ không tăng giá thêm nữa trong năm nay, trong khi công ty thực phẩm McCormick cho biết họ đang cố gắng nâng giá sản phẩm bị các nhà bán lẻ phản đối.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 5% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy lạm phát đang trên đà hạ nhiệt.
Nhiều công ty vận hàng các nhà hàng cũng cho biết lạm phát đang giảm xuống, nhưng các chi phí thực phẩm, lao động và xây dựng vẫn gia tăng. Phần lớn các nhà hàng đã lựa chọn tăng giá để tỷ suất lợi nhuận không bị bót nghẹt. Hệ quả là người tiêu dùng ít ăn ngoài hơn hoặc chi tiêu ít hơn khi ra ngoài ăn.
Công ty theo dõi dữ liệu trong lĩnh vực nhà hàng Black Box Intelligence cho biết lưu lượng khách đến các nhà hàng chỉ tăng trong hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022. Hai tháng này lại trùng với thời kỳ bùng dịch COVID-19 do biến thể Omicron vào năm ngoái, nên doanh số và số lượt khách đến nhà hàng đều giảm mạnh vào đầu năm 2022.