Trong một thông cáo báo chí, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết hai nước sẽ tìm cách giải quyết những mối quan ngại song phương thông qua các cuộc tham vấn về vấn đề thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm.
Theo USTR, các cuộc tham vấn sắp tới giữa Mỹ với Nhật Bản sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề dư thừa công suất sản xuất các sản phẩm thép và nhôm trên toàn cầu, thực hiện các biện pháp hiệu quả để bảo đảm khả năng tồn tại lâu dài của ngành thép và nhôm, đồng thời tìm giải pháp nhằm củng cố liên minh giữa hai nước.
USTR hy vọng các cuộc tham vấn sẽ là cơ hội để thúc đẩy các tiêu chuẩn cao, giải quyết các mối quan ngại chung và kiềm chế các nước có chính sách và hành động phi thị trường, gây tổn hại đến hoạt động thương mại thế giới.
Thông cáo của USTR được đưa ra trước thềm chuyến thăm Nhật Bản của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo vào tuần tới. Dự kiến, hai vị quan chức sẽ đến Tokyo vào ngày 15/11.
Nhật Bản đang hy vọng có thể đạt được thỏa thuận như giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), sau khi hai bên vào tháng trước đã đạt được thỏa thuận nới lỏng thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.
Theo đó, các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng với các sản phẩm thép và nhôm của châu Âu dưới thời chính quyền Tổng thống Trump sẽ vẫn giữ nguyên, nhưng chỉ áp dụng đối với các sản phẩm thép và nhôm vượt quá hạn ngạch quy định. Để được miễn thuế, các mặt hàng nhôm và thép phải được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ các nước thành viên EU. Đổi lại, EU rút quyết định áp mức thuế 50% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ, trong đó có xe máy Harley Davidson, rượu whisky...
Năm 20218, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã áp các mức thuế đặc biệt 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ một số nền kinh tế, trong đó có Nhật Bản và EU, theo điều khoản áp dụng đối với các mặt hàng được cho là đe dọa an ninh quốc gia.