Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (thứ hai, trái) thị sát việc thử nghiệm một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa đạn đạo. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo Nhật Bản đã trao công hàm phản đối vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh động thái này của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản đã lập tức triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia và chỉ thị cho các bộ, ngành liên quan làm việc với phía Hàn Quốc và Mỹ để thu thập và phân tích thông tin liên quan tới vụ phóng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe yêu cầu Triều Tiên kiềm chế sau động thái trên. Phía Nhật Bản xác nhận không có thương vong hay thiệt hại trong lãnh thổ nước này do vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động có thể gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, hối thúc Triều Tiên tập trung thực hiện các bước đi cụ thể hướng tới tuân thủ những cam kết và nghĩa vụ quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ đang theo dõi sát tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời khẳng định duy trì cam kết bảo vệ các nước đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như phối hợp chặt chẽ với các nước đối tác trong khu vực.
Trước đó, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết lúc 5 giờ 55 giờ địa phương (3 giờ - giờ Việt Nam ngày 18/3), Triều Tiên đã phóng ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm trung từ khu vực Sukchon, phía Tây Nam Triều Tiên. Tên lửa này đã bay khoảng 800 km và rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Triều Tiên. Theo hãng Yonhap, khả năng đây là tên lửa tầm trung Rodong và nếu được xác nhận, đây là lần đầu tiên trong khoảng hai năm kể từ ngày 26/3/2014, Triều Tiên lại bắn loại tên lửa này. Với tầm bắn tối đa khoảng 1.300 km, Rodong có thể nhắm bắn tới các mục tiêu trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc và một số thành phố lớn tại Nhật Bản.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn một tuyên bố của Văn phòng Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc nghi ngờ Triều Tiên đã phóng tên lửa thứ hai ngay sau khi phóng tên lửa thứ nhất và quả tên lửa thứ hai này đã biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao khoảng 17 km (so với mặt nước biển). Tuyên bố lưu ý cần phân tích thêm để xác định bản chất của vật phóng thứ hai, trong khi hãng Yonhap cho rằng tên lửa thứ hai có thể đã bị nổ tung trên không trung.
Triều Tiên đã phóng một vài tên lửa tầm ngắn và tầm trung sau khi HĐBA LHQ đầu tháng này thông qua một nghị quyết mới, trong đó áp đặt các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên do các vụ thử hạt nhân và tên lửa.