Theo báo Politico, tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc. Tướng VanHerck cho biết thêm khí cầu này có chiều cao 61 mét và có thể mang theo tải trọng hàng trăm kg.
Khinh khí cầu bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 5/2, một tuần sau khi vật thể này bay vào không phận Mỹ. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã nhận được thông báo về hành trình của khí cầu từ hôm 31/1. Ông đã ra lệnh bắn hạ khí cầu trên đất liền, nhưng Lầu Năm Góc từ chối do lo ngại về an toàn, nên việc bắn hạ khí cầu đã lùi lại.
Trong bối cảnh đó, trả lời truyền thông, Tướng VanHerck cũng xác nhận rằng một số khinh khí cầu tương tự cũng từng bay qua Mỹ trước đây. Theo các quan chức giấu tên, một khinh khí cầu rơi ngoài khơi Hawaii vào 4 tháng trước, trong khi một khinh khí cầu khác đi qua Florida và Texas dưới thời Tổng thống Donald Trump.
“Chúng tôi đã không phát hiện ra những mối đe dọa đó”, ông VanHerck nói và thừa nhận sự thiếu sót.
Trong diễn biến liên quan, Mỹ cho biết nước này đang thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ở Đại Tây Dương để các chuyên gia tình báo phân tích và không có kế hoạch trả lại mảnh vỡ cho Bắc Kinh.
“Chúng tôi đang thu hồi một số mảnh vỡ trên biển. Điều kiện thời tiết hiện chưa cho phép tìm kiếm các mảnh vỡ dưới đáy biển”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby thông báo hôm 6/2. Ông cho biết thêm rằng Mỹ không có ý định gửi lại các mảnh vỡ của khinh khí cầu cho phía Trung Quốc.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ xác nhận lực lượng tìm kiếm có thể sẽ “lặn xuống trong những ngày tới và xem xét kỹ hơn các mảnh vỡ dưới đáy đại dương”.
Ngoài ra, ông Kirby tiết lộ Mỹ đã phát hiện một chi tiết cho thấy khinh khí cầu không chỉ trôi dạt mà còn có các cánh quạt và hệ thống lái cho phép kiểm soát lộ trình.
“Đúng là quả khí cầu này có khả năng tự điều hướng - tăng tốc, giảm tốc độ và quay đầu. Nó được trang bị cánh quạt, hệ thống lái, cho phép kiểm soát lộ trình, ngay cả khi nó bị cuốn theo gió ở độ cao lớn”, ông Kirby nói.
Trước phát hiện này, Tướng VanHerck nói rằng một tàu hải quân đang trong quá trình lập bản đồ khu vực nghi có mảnh vỡ. Ông cũng khẳng định mảnh vỡ khinh khí cầu sẽ được nghiên cứu cẩn thận.
“Tôi không biết các mảnh vỡ sẽ được mang tới đâu để phân tích lần cuối, nhưng chắc chắn cộng đồng tình báo và cơ quan thực thi pháp luật sẽ xem xét kỹ lưỡng”, ông cho biết.
Ngày 4/2, Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu F-22 từ căn cứ không quân Langley, Virginia để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở ngoài khơi Myrtle Beach, Nam Carolina.
Lầu Năm Góc cáo buộc khinh khí cầu được Trung Quốc sử dụng trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ. Một số quan chức Mỹ đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng, khinh khí cầu bị bắn rơi chỉ đơn giản sử dụng cho mục đích dân sự và đã vô tình xâm nhập không phận Mỹ. Họ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các loại khinh khí cầu do thám trong nhiều năm và các thiết bị này đã được phát hiện ở 5 châu lục.
Về phần mình, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của Washington cho rằng khinh khí cầu này là thiết bị do thám. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đó là “khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng”. Bắc Kinh khẳng định khí cầu đã đi chệch hướng so với hành trình dự kiến và chỉ trích Mỹ vì đã bắn hạ nó.