Sau 8 năm kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đầu tiên, ngày 13/12 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thứ 2.
Năm 2014, khi còn nắm quyền, ông Barack Obama chào đón những nhà lãnh đạo châu Phi tới Washington, nhiều người coi hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử, không chỉ vì nguồn gốc của vị tổng thống Mỹ da màu mà còn vì những cam kết làm cho quan hệ đối tác giữa các bên sâu sắc hơn và hứa tổ chức những sự kiện như vậy thường xuyên.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc - được Mỹ coi là thách thức lâu dài - đã liên tục vượt qua Washington để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi. Trong khi đó, Nga cũng ngày càng phô trương sức mạnh tại "lục địa đen".
Theo hãng tin AFP, hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày với các nhà lãnh đạo các nước châu Phi của Tổng thống Biden sẽ đưa ra các thông báo về khoản đầu tư mới của Mỹ và nêu bật vấn đề an ninh lương thực đang trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc xung đột tại Ukraine.
Kể từ khi giành chiến thắng trước người tiền nhiệm Donald Trump - người không giấu giếm việc không quan tâm đến châu Phi, Tổng thống Biden đã thể hiện quan điểm rõ ràng, ủng hộ việc giành một ghế cho người châu Phi trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cũng tại hội nghị thượng đỉnh lần này ở Washington, ông chủ Nhà Trắng sẽ kêu gọi Liên minh châu Phi chính thức gia nhập Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20).
Judd Devermont, cố vấn hàng đầu về châu Phi của Tổng thống Biden, cho biết: "Chúng tôi tin rằng đây là một thập kỷ mang tính quyết định. Cách sắp xếp trật tự của thế giới sẽ được quyết định trong những năm tới. Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken tin tưởng mạnh mẽ rằng tiếng nói của người châu Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại này”.
Các nhà lãnh đạo châu Phi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba năm một lần với Trung Quốc và cũng có các cuộc gặp thường xuyên với một số đồng minh của Mỹ như Pháp, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Sau tranh cãi về những lời mời làm phân tán sự chú ý từ hội nghị thượng đỉnh Los Angeles vào tháng 6, lần này, Tổng thống Biden đã công khai danh sách khách mời từ châu Phi.
Mỹ mời tất cả thành viên chính thức của Liên minh châu Phi và những nước mà Washington có quan hệ đầy đủ, ngoại trừ Eritrea.
Một trong những nhà lãnh đạo được mong đợi nhất có mặt ở Washington sẽ là Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, đồng minh một thời của Mỹ song bị chính quyền Tổng thống Biden cáo buộc ủng hộ các hành vi lạm dụng trong cuộc xung đột ở Tigray.
Bên cạnh đó, tại hội nghị ở Washington sẽ có Tổng thống Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo trong bối cảnh Ngoại trưởng Blinken dẫn đầu sức ép quốc tế đối với Rwanda về cáo buộc hỗ trợ phiến quân ở nước láng giềng.
Các tổng thống khác sẽ có mặt tại hội nghị thượng đỉnh bao gồm Abdel Fattah al-Sisi của Ai Cập và Kais Saied của Tunisia. Hai nhà lãnh đạo này đều phải đối mặt với những chỉ trích về quyền dân chủ. Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo của Guinea Xích đạo và ngoại trưởng Zimbabwe - quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ - dự kiến cũng tham dự.
“Chúng tôi đã nhận một số lời chỉ trích từ một số người thắc mắc tại sao chúng tôi lại mời những chính phủ gây tranh cãi. Nhưng điều đó phản ánh cam kết của Tổng thống Biden và Bộ trưởng Blinken trong việc đối thoại ngay cả khi có những điểm khác biệt với các nước đó”, Molly Phee, quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề châu Phi của Bộ Ngoại giao Mỹ, lý giải.
Một chủ đề chính trong hội nghị lần này sẽ là số phận của Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi (AGOA), thỏa thuận năm 2000 cho phép các sản phẩm từ các quốc gia cận Sahara tiếp cận thị trường Mỹ miễn thuế.
Hiệp ước này dự kiến hết hạn vào năm 2025, dẫn đến việc các nhà lãnh đạo châu Phi tìm kiếm một thỏa thuận rõ ràng vào thời điểm mà Mỹ gặp khó khăn trong các thỏa thuận thương mại.
“Chúng tôi lấy làm tiếc rằng các ưu đãi thương mại của AGOA đã không được tận dụng tối đa”, bà Phee nói thêm và cho biết bà mong đợi một cuộc thảo luận sôi nổi sẽ diễn ra trong hội nghị.
Tuy nhiên, theo ông Mvemba Phezo Dizolele - Giám đốc chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này mang theo sự thiếu hụt niềm tin từ người châu Phi do phải chờ đợi suốt 8 năm.
“Hội nghị thượng đỉnh mang đến những cơ hội tuyệt vời nhưng nó cũng đặt ra một số rủi ro. Đây là cơ hội để cho châu Phi thấy rằng Mỹ thực sự muốn lắng nghe họ. Nhưng bây giờ họ mang theo kỳ vọng cao hơn. Câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ khác so với 8 năm trước”, chuyên gia Mvemba kết luận.