Những binh sĩ Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Afghanistan trong trên chiếc máy bay vận tải C-17 cất cánh từ sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul tối 30/8. Khi được hỏi về số phận của lô vũ khí sót lại ở sân bay, Tướng Kenneth F. McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) cho biết nhiều trong số này đã được hủy nổ.
Theo Tướng McKenzie, hệ thống phòng thủ chống rocket, đạn pháo, súng cối (C-RAM) vẫn được phía Mỹ sử dụng để đánh chặn thành công đòn tấn công rocket nhằm vào sân bay Kabul hôm 30/8. Hệ thống này được vận hành đến phút cuối, sau đó cũng được hủy nổ.
“Chúng tôi hủy nổ để những hệ thống này không bao giờ hoạt động được nữa. Chúng tôi thấy rằng việc bảo vệ các lực lượng của mình quan trọng hơn là thu hồi các hệ thống này", Tướng McKenzie nói. Người đứng đầu CENTCOM cho biết Mỹ đã chủ động phá hủy 70 xe thiết giáp chống mìn (MRAP), 27 xe bọc thép Humvee và 73 máy bay các loại, khiến số này mất hoàn toàn khả năng vận hành.
Về cách thức hủy nổ, một quan chức quân đội Mỹ giấu tên cho biết nhiều khả năng binh sĩ Mỹ đã sử dụng quả nổ nhiệt nhôm, tạo ra nhiệt lượng cao, tới ngưỡng 4.000 độ C, hủy hoại những bộ phận cấu thành chủ chốt có trong trang thiết bị, vũ khí.
Mặc dù sẽ không thể sử dụng được bất kỳ hệ thống thiết bị nào mà quân đội Mỹ bỏ lại sân bay Kabu, Taliban cũng đã chiếm được một lượng lớn vũ khí còn sử dụng tốt. Trong chiến dịch tấn công vừa qua, lực lượng này tìm cách thu giữ một lượng lớn vũ khí, trang bị do Mỹ chế tạo, từ súng trường cho tới phương tiện quân sự.
Phía Mỹ cũng xác nhận thực tế này. “Chúng tôi không có một bức tranh hoàn chỉnh và rõ ràng về việc các vũ khí, trang bị đã đi đâu, nhưng chắc chắn một phần lớn trong số đó đã rơi vào tay Taliban” - Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói ít ngày sau khi Kabul rơi vào tay Taliban.