Dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc, hãng tin Reuters đưa tin Triều Tiên đã phóng hai tên lửa hành trình từ bờ biển phía Tây nước này vào hôm 21/3. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của quốc gia Đông Bắc Á kể từ khi ông Joe Biden chính thức cầm quyền chính phủ Mỹ.
Theo hai quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden, hai quả tên lửa vừa được phóng không nằm trong danh sách cấm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về phần mình, Tổng thống Biden trả lời phóng viên khi được hỏi động thái của Triều Tiên có là một hành vi gây hấn: “Không có gì thay đổi nhiều. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, việc này là chuyện bình thường. Không có gì mới cả”.
Vụ phóng thử diễn ra sau khi Triều Tiên không đáp trả nỗ lực tiếp xúc ngoại giao hậu trường mà chính quyền Washington triển khai từ giữa tháng 2.
Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang trong "giai đoạn cuối cùng" xem xét lại toàn bộ chính sách đối với Triều Tiên và sẽ tổ chức cuộc gặp với các cố vấn an ninh quốc gia hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới để thảo luận về vấn đề.
Lầu Năm Góc cũng từ chối bình luận về động thái phóng tên lửa của Triều Tiên lần này. Hiện phái đoàn của Triều Tiên tại Liên hợp quốc chưa đưa ra bất kỳ phát biểu nào.
Jenny Town, Giám đốc trang web North có trụ sở tại Mỹ chuyên giám sát các hoạt động của Triều Tiên, nhận định động thái lần này của Bình Nhưỡng có phần “tương đối nhẹ nhàng”.
Trước đó, một tướng cấp cao của Mỹ đã cảnh báo về khả năng xảy ra các động thái khiêu khích hơn từ phía Triều Tiên trong tương lai gần, và những động thái như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
“Tôi đoán rằng các vụ thử nghiệm liên quan đến những cuộc tập trận chung. Việc Triều Tiên phóng thử tên lửa trùng với thời điểm diễn ra các cuộc tập trận chung trong khu vực là khá phổ biến”, chuyên gia Town cho hay.
Mặc dù đã cắt giảm quy mô song cuộc tập trận Mỹ-Hàn tổ chức vào tháng này vẫn khiến Triều Tiên nổi giận. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên tuần trước tuyên bố quốc gia này sẽ không đáp lại các đề xuất ngoại giao của Mỹ cho đến khi Washington từ bỏ chính sách thù địch và giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.
Bình Nhưỡng đã hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc từ năm 2006 nhằm cắt nguồn tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.
Từ năm 2017, Triều Tiên không thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM song vẫn tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn hơn.