Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết các trường hợp kháng thuốc liên quan đến tổng cộng 18 cá nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ do chủng virus Clade 2 gây ra trong khoảng thời gian từ ngày 6/10/2023 đến ngày 15/2/2024. Tất cả những người này chưa từng dùng thuốc điều trị trước đó.
Các trường hợp nhiễm chủng Clade 2, vốn là chủng virus đặc hữu ở khu vực Tây Phi, đã gây ra một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu vào năm 2022 và tiếp tục lây lan ở mức độ thấp ở một số quốc gia. Các quan chức y tế cho biết các ca mới nhiễm chủng Clade 2 có thể đã bị đánh giá thấp vì không phải tất cả các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đều được giải trình tự gene để xác định biến thể gây nhiễm bệnh. Các tác giả báo cáo nhấn mạnh cần giám sát thường xuyên để theo dõi sự xuất hiện hiện tượng kháng thuốc để duy trì hiệu quả của thuốc TPOXX, một trong số ít loại thuốc được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Các quan chức CDC cũng khuyến cáo các bác sĩ cần tuân thủ chặt chẽ quy trình sử dụng TPOXX, đảm bảo rằng bệnh nhân dùng thuốc đúng cách. CDC cho biết virus đậu mùa khỉ vẫn có nguy cơ lây lan trong khi bệnh nhân đang dùng thuốc, do đó cần có thêm các phương pháp khác để điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Trước đó, ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể Clade 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra những triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và người có hệ miễn dịch yếu, như người có HIV.