Theo tờ The Times of Israel, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho rằng mục tiêu của chiến dịch là chính đáng, nhưng cảnh báo đánh giá này có thể thay đổi nếu cuộc tấn công mở rộng quy mô và gây ra cản trở kéo dài đối với hoạt động vận chuyển viện trợ đến Gaza.
Ông Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo: “Điều mà những người đồng cấp Israel đã thông báo với chúng tôi là hoạt động trên có quy mô hạn chế và có mục đích ngăn chặn Hamas vận chuyển vũ khí, tiền bạc vào Gaza”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong một cuộc họp báo khác: “Cho đến nay, đây dường như là một hoạt động hạn chế, nhưng mọi việc phụ thuộc rất lớn vào những gì diễn ra tiếp theo”.
Các quan chức Mỹ muốn phân biệt rạch ròi giữa những hành động mà Israel thực hiện cho đến nay với một hoạt động quân sự quan trọng hơn mà Mỹ tiếp tục phản đối vì lo ngại cho hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn ở Rafah.
Ông Miller nói thêm: “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi không muốn thấy chiến dịch quân sự lớn. Đây có vẻ như là khúc dạo đầu của một chiến dịch quân sự lớn. Về phản ứng chính sách, chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra tiếp theo trước khi đưa ra những quyết định đó”.
Ông Miller cũng giải thích: “Một trong những điều mà Israel nói và điều này hoàn toàn chính xác. Đó là Hamas vẫn kiểm soát cửa khẩu Rafah ở phía Gaza và Hamas đang tiếp tục kiếm được tiền khi cửa khẩu đó còn mở. Vì vậy, mục tiêu chính đáng là tìm cách tước đi số tiền mà Hamas có thể sử dụng để tiếp tục tài trợ cho các hoạt động”.
Trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng binh sĩ Israel sẽ thực hiện chiến dịch nhằm tiêu diệt tận gốc các căn cứ cuối cùng của Hamas ở Rafah, bất kể liệu các cuộc đàm phán về con tin có đạt được thỏa thuận hay không. Theo các quan chức quốc phòng Israel, 4 trong số 6 tiểu đoàn còn lại của Hamas đang ở trong thành phố này cùng với các thành viên lãnh đạo và một số lượng đáng kể con tin mà nhóm này bắt cóc từ Israel trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023.
Hoạt động của quân đội Israel vào đầu ngày 7/5 đã khiến cửa khẩu Rafah bị đóng dù đây là một trong những cổng chính để chuyển viện trợ vào Gaza. Cửa khẩu Rafah bị đóng sau khi cửa khẩu Kerem Shalom gần đó của Israel cũng bị đóng sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas cuối tuần qua khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng.
Theo Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu đã cam kết với Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm ngày 6/5 rằng ông sẽ mở lại cửa khẩu Kerem Shalom, nhưng tới ngày 7/5, cửa khẩu này vẫn đóng. Người phát ngôn của chính quyền Israel cho biết nước này cam kết mở lại Kerem Shalom vào ngày 8/5 và mở lại Rafah cho các đoàn xe chở nhiên liệu cũng vào ngày này.
Theo ông Miller, mở lại cửa khẩu Rafah để cung cấp nhiên liệu là điều cần thiết cho hoạt động của các nhà máy khử muối, xe cứu trợ và cửa hàng bánh.
Trong khi đó, bến tàu tạm thời cho Gaza do quân đội Mỹ xây dựng sẽ sớm đi vào hoạt động, nhưng ông Miller cho biết Israel không nên coi tuyến đường hàng hải này là tuyến thay thế cho Kerem Shalom và Rafah. Ông nói: “Ngay cả khi bến tàu đó mở cửa, lượng viện trợ mà bến này có thể cung cấp mỗi ngày chỉ khoảng 100 xe tải, không thể thay thế được các cửa khẩu khác”.
Theo ông Miller, Mỹ ủng hộ hoạt động hiện nay của Israel ở cửa khẩu Rafah, nhưng không ủng hộ chiến dịch quân sự mà Israel sẽ thực hiện sau khi kêu gọi khoảng 100.000 người Palestine sơ tán.
Ông Miller làm rõ rằng sơ tán dân thường trước chiến dịch quân sự về mặt lý thuyết là được hoan nghênh, nhưng cáo buộc rằng Israel đã thực hiện bước đi này mà không có cơ chế thích hợp để bảo vệ những người buộc phải rời đi.
Trong khi đó, ngày 7/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo nước này sẽ tăng cường tấn công quân sự tại thành phố Rafah nếu không có tiến bộ về thỏa thuận trao trả các con tin. Phát biểu trong chuyến thăm binh sĩ ở khu vực Rafah hôm 7/5, ông Gallant khẳng định Israel sẵn sàng thỏa hiệp để đưa con tin về nước, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu lựa chọn đó bị loại bỏ, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch… Điều này sẽ xảy ra trên khắp dải đất Gaza”. Ông Gallant cũng khẳng định chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi nước này loại bỏ được Hamas ở Rafah và phần còn lại của Gaza.
Israel bắt đầu điều quân tới Rafah vào cuối ngày 6/5 và chiếm giữ cửa khẩu Rafah - nằm ở biên giới giữa Gaza và thành phố Rafah của Ai Cập sau khi nước này từ chối đề xuất ngừng bắn mà Hamas đã chấp thuận. Israel cho rằng đề xuất này không giải quyết được các yêu cầu cốt lõi song đồng ý tiếp tục đàm phán.
Dư luận thế giới tiếp tục đưa ra phản ứng sau khi quân đội Israel bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Rafah. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/5 kêu gọi Israel khẩn trương rút khỏi vùng biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, thuộc phía Đông thành phố Rafah, đồng thời cho rằng cuộc tấn công vào thành phố này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến khu vực mà còn cả thế giới.
Chính phủ Mexico cùng ngày cũng phản đối chiến dịch quân sự của quân đội Israel tại thành phố Rafah, cho rằng hành động này sẽ gây hậu quả thảm khốc, cũng như đe dọa mạng sống của hàng nghìn dân thường địa phương.