Theo hãng tin AFP, một quan chức Mỹ khẳng định Mỹ không đề nghị các tổ chức viện trợ nước ngoài hạn chế các khoản hỗ trợ cho người Palestine, cũng như không yêu cầu các thể chế tài chính ngừng giao dịch với các tài khoản ngân hàng của chính quyền Palestine. Quan chức này nhấn mạnh các thông tin đăng tải trên truyền thông về việc Mỹ phong tỏa tài chính đối với Palestine là "không đúng".
Trước đó, ngày 10/2, quan chức cấp cao của chính quyền Palestine, Hussein al-Sheikh, cáo buộc Mỹ tiến hành "vây hãm tài chính" đối với PA, theo đó các thể chế tài chính quốc tế lớn đã bắt đầu thực hiện yêu cầu của Washington nhằm siết chặt phong tỏa tài chính đối với PA.
Quan chức trên nhấn mạnh Mỹ đã yêu cầu các thể chế ngừng các khoản viện trợ cho Palestine trong khi gửi thư tới các ngân hàng yêu cầu không nhận các giao dịch chuyển tiền cho các tài khoản của giới chức Palestine. Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cũng cáo buộc Mỹ đang gây sức ép để các nước Arab ngừng viện trợ cho PA. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cáo buộc Israel và Mỹ "siết chặt phong tỏa tài chính" đối với PA sau khi Palestine bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông do Mỹ đề xuất.
Ngày 1/2 vừa qua, một quan chức Mỹ cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) đã ngừng tất cả hoạt động hỗ trợ dành cho người Palestine tại vùng Bờ Tây và Dải Gaza. Năm ngoái, Mỹ đã ngừng hỗ trợ tài chính đối với các hoạt động nhân đạo cho người tị nạn Palestine, trong đó có hỗ trợ về y tế và giáo dục, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Chính phủ Mỹ cũng chấm dứt khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD của USAID cho Palestine.
Quan hệ giữa Mỹ và Chính quyền Palestine đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này. Palestine đã ngừng mọi tiếp xúc với chính quyền Mỹ và coi Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông.