Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, ông Majed al-Ansari nói rằng Doha hy vọng có thể đưa ra thông báo về kết quả đàm phán thỏa thuận ngừng bắn trước ngày 29/2. Ông Ansari cho biết các bên tham gia đàm phán đang thúc đẩy thực hiện một lệnh ngừng bắn trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, mà năm nay có thể bắt đầu từ ngày 10/3 hoặc 11/3, tùy thuộc vào lịch của mỗi nước.
Trước đó, ngày 26/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ bắt đầu vào ngày 4/3 và kéo dài đến hết tháng lễ Ramadan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết các bên có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này.
Những nhận định như vậy được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia Arab như Ai Cập và Qatar cùng với các nước phương Tây như Mỹ và Pháp vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế gia tăng kêu gọi Israel ngừng kế hoạch tiến quân vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nơi gần 1,5 triệu dân thường Palestine đang trú ẩn. Cộng đồng quốc tế lo ngại cuộc khủng hoảng ở Rafah nói riêng và ở Dải Gaza sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào thành phố này. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cảnh báo một hành động như vậy sẽ gây ra "những hệ quả thảm khốc" trên toàn khu vực Trung Đông.
Theo dự thảo đề xuất, các nhà thương lượng muốn ngừng tất cả hoạt động quân sự trong vòng 6 tuần cùng với việc Hamas sẽ trả tự do cho các con tin Israel còn Israel cũng sẽ thả tù nhân Palestine. Trả lời kênh truyền hình NBC ngày 26/2 và được phát sóng ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng Israel đã nhất trí ngừng các hoạt động quân sự tại Dải Gaza trong tháng Ramadan của người Hồi giáo theo dự thảo đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn đang được đàm phán.
Trong khi đó, xung đột kéo dài gần 5 tháng qua đã đẩy người dân ở Dải Gaza vào cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp và nghiêm trọng. Các cơ quan viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cùng nhiều nước kêu gọi nhanh chóng cung cấp hỗ trợ nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng gia tăng, đặc biệt về lương thực - thực phẩm, nước, thuốc men và những hỗ trợ điều trị khẩn cấp.