Dẫn một tuyên bố ngày 30/3 của Bộ Ngoại giao Mỹ, hãng tin AFP đưa tin: “Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định yêu cầu các nhân viên ngoại giao không giữ nhiệm vụ quan trọng rời khỏi Myanmar vì sự an toàn của các nhân viên Mỹ và người thân của họ là ưu tiên hàng đầu của Bộ”. Yêu cầu rời đi sẽ được xem xét trong vòng 30 ngày.
Trước đó, vào giữa tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép nhân viên không thiết yếu cùng gia đình tự nguyện rời khỏi Myanmar.
Trong ngày 29/3, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo Mỹ quyết định đình chỉ các can dự thương mại với Myanmar.
Theo hãng tin Reuters, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố nước này đã đình chỉ lập tức mọi can dự với Myanmar trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư năm 2013 cho tới khi nào Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của NLD. Quân đội Myanmar cáo buộc đã có nhiều gian lận xảy ra trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng 11/2020, điều mà Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ.
Sau khi nắm tạm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Quân đội cũng phủ nhận đã tiến hành đảo chính.