Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Ukraine tái thiết kinh tế

Ngày 23/2, Mỹ đề xuất hỗ trợ tái thiết nền kinh tế đang lao đao của Ukraine sau 3 tháng bùng phát làn sóng biểu tình chống chính phủ vốn đã nhấn chìm quốc gia Đông Âu này vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi Kiev giành độc lập.

Đề xuất trên do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Anton Siluanov bên lề Hội nghị Bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Sydney của Australia sau khi Quốc hội Ukraine hôm 22/2 bỏ phiếu phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych sau một tuần bạo lực đẫm máu ở thủ đô Kiev.

Người biểu tình gác trước cửa Tòa nhà Quốc hội Ukraine ngày 22/2.


Bộ trưởng Lew nhấn mạnh rằng Mỹ, hợp tác với các nước khác trong đó có Nga, "sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong quá trình nước này thực hiện cải cách khôi phục sự ổn định của nền kinh tế cũng như tìm đường quay trở lại dân chủ và tăng trưởng". Hai bộ trưởng cũng thảo luận về tình hình ở Ukraine và ông Lew nhấn mạnh "cần phải ổn định và cải cách kinh tế".

Ngày càng xuất hiện những lo ngại rằng nền kinh tế chồng chất nợ nần của Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ. Hiện chưa rõ liệu Moskva có tiếp tục giải ngân gói cứu trợ trị giá 15 tỷ USD cho Ukraine như đã cam kết hay không nhưng Nga đã quyết định tạm ngừng đợt giải ngân mới nhất trong gói viện trợ dành cho Kiev cho tới khi tình hình trở lại ổn định.

Trong một diễn biến khác, tối 22/2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo các bên xung đột ở Ukraine về nguy cơ chia cắt đất nước này.

Phát biểu tại Bộ Ngoại giao ở thủ đô Berlin, Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng trước tình hình nghiêm trọng hiện nay, các bên liên quan phải ý thức trách nhiệm vì tương lai và sự thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ông nêu rõ: "Thời điểm này, cả hai bên phải chú ý để không tạo thêm các nhân tố có thể gây hậu quả thảm khốc". Theo Ngoại trưởng Đức, đường hướng của mọi quyết định chính trị phải là duy trì toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước Ukraine. "Trật tự hiến pháp hiện hành là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các quyết sách chính trị". Ukraine cần nhanh chóng thành lập một chính phủ lâm thời có khả năng vận hành để đảm bảo trật tự trên cả nước.

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Đức đánh giá cao vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán ngoại giao ở Ukraine, nhấn mạnh rằng phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia đàm phán rất xây dựng ở Kiev. Tình trạng hỗn loạn và nội chiến ở quốc gia láng giềng như Ukraine không phải là điều Moskva mong muốn và nếu Ukraine đổ vỡ, Nga cũng sẽ phải chịu gánh nặng.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đã hoan nghênh quyết định phóng thích thủ lĩnh đối lập Ukraine Yulia Tymoshenko. Trong khi đó, Pháp và Anh cũng bày tỏ hoan nghênh việc bà Tymoshenko được trả tự do, trong đó London cam kết hợp tác với các đối tác EU để ủng hộ một chính phủ mới ở Ukraine.



TN (Theo THX/AFP/Reuters)
Quốc hội Ukraine phế truất Tổng thống
Quốc hội Ukraine phế truất Tổng thống

Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết về việc từ chức của Tổng thống Viktor Yanukovych, cho rằng Tổng thống không đủ khả năng theo quy định của hiến pháp để đảm đương chức trách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN