Các quan chức Mỹ và châu Á cho biết Mỹ đã thông báo về kế hoạch này với các đồng minh tại châu Á, theo đó triển khai các tàu tuần tra hải quân gần các "đảo nhân tạo" do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông (Thực chất các "đảo" này được xây dựng trái phép, hoàn toàn trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC năm 2002). Đây được cho là một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh sau chuyến thăm Mỹ gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các quan chức trên cho hay các tàu tuần tra “tự do hàng hải” sẽ tiến vào vùng 12 hải lý của ít nhất một trong các "đảo nhân tạo" trên, nhằm phản đối những tuyên bố chủ quyền vô lí của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược thông qua việc mở rộng đá và bãi nửa nổi nửa chìm thành "đảo nhân tạo" đủ rộng để xây dựng các đường băng quân sự, thiết bị radar và làm nơi đồn trú của binh sĩ.
Mặc dù Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền vô lý với phần lớn diện tích Biển Đông, song luật quốc tế không cấm việc đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo.
Ít nhất từ năm 2012, Mỹ đã kiềm chế tiến trong việc không đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép ở Biển Đông. Hồi tháng 5, một máy bay do thám của Hải quân Mỹ đã bay gần ba trong số 5 đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, dù không tiến vào vùng không phận trên vùng 12 hải lý. Đáp trả, Trung Quốc đã có cảnh báo yêu cầu máy bay Mỹ rời khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter, và Ngoại Mỹ John Kerry đã lên kế hoạch thảo luận việc tuần tra với các đối tác Australia trong các ngày 12-13/10 tại Boston. Đô đốc Harry Harris Jr., Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, vốn từ nhiều tháng trước được Nhà Trắng yêu cầu đưa ra các phương án phản ứng lại những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng lên kế hoạch tham dự.
Trong khi đó, theo một người tham dự tại một cuộc gặp của các nhà phân tích Mỹ về khu vực ở Washington, cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng An Ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink, cho biết Nhà Trắng đã đưa ra quyết định xúc tiến hoạt động tuần tra.
Cũng theo nguồn tin này, mặc dù không cho biết chi tiết khi nào các tàu tuần tra Mỹ sẽ bắt đầu hoạt động tuần tra, nhưng ông Kritenbrink cho hay hoạt động tuần tra của các tàu này đã được hoãn lại để không gây ảnh hưởng đến chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chính quyền Obama cùng các đồng minh của Mỹ tại châu Á từ lâu đã tranh luận cách phản ứng tốt nhất trước những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi một số người hối thúc các tàu tuần tra đẩy lùi hành động của Bắc Kinh, số khác quan ngại Trung Quốc có thể coi đây là cớ để biện minh cho hành động tiếp tục quân sự hóa khu vực.
Đô đốc Harry B. Harris Jr. cạnh một tấm ảnh chụp "đảo nhân tạo" do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: AP |
Trung Quốc cũng đã ám chỉ rằng sẽ đáp trả các tàu Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 9/10 nói: “Chúng ta không thể bỏ quan việc bất kì quốc gia nào xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc với lí do duy trì tự do hàng hải và vùng trời”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc “quan ngại sâu sắc” những thông báo về việc Mỹ lên kế hoạch tuần tra quanh các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết không có ý định quân sự hóa ở Biển Đông. Mặc dù vậy, theo các quan chức Mỹ, chính xác điều ông Tập Cận Bình nói có ý gì vẫn là chuyện chưa rõ. Theo một quan chức quân đội Mỹ, một trong những mục đích của việc tuần tra là nhằm kiểm tra tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc họp báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng tống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, đồng thời cho biết “Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tàu thuyền, triển khai máy bay ở bất kì nơi nào luật quốc tế cho phép”. Hiến pháp Mỹ về Luật Biển công nhận giới hạn 12 hải lý quanh các đảo hình thành tự nhiên nhưng không công nhận những giới hạn như vậy quanh các bãi nửa nổi nửa chìm được xây dựng dựa theo các tuyên bố chủ quyền trên.
Theo nhà phân tích quân sự Hugh White, tân Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull sẽ ít có xu hướng ủng hộ việc tuần tra hơn người tiền nhiệm Tony Abbot. Dù từng gọi việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là “lợi bất cập hại” trước khi ông nhậm chức hồi tháng trước, nhưng ông Turnbull có thể sẽ cẩn trọng trong việc đối đấu với Trung Quốc.
Các quan chức ở Philippines cho biết đã được thông báo về kế hoạch tuần tra trong những ngày qua. Thượng Nghị sĩ Antonio F. Trillanes IV, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Philippines ngày 12/10 cho hay ông chào đón quyết định này.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông Trillanes đánh giá về việc triển khai các tàu tuần tra như sau: “Việc này khá mạo hiểm, nhưng chúng ta cần biết giờ đây Trung Quốc sẵn sàng đi tới đâu để bảo vệ những đảo mới này”. Dẫu vậy, ông Trillanes cho biết không quan ngại việc động thái tuần tra có thể làm gia tăng xung đột trong khu vực. “Mỹ đã tính toán, và họ sẽ không làm việc này nếu căng thẳng có thể leo thang vượt mức dự liệu”, ông nói.
Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Philippine Albert F. del Rosario, các tàu tuần tra của Mỹ sẽ giúp duy trì sự ổn định trong khu vực. Trong một tuyên bố, ông nói: “Thất bại trong việc phản đối những tuyên bố sai trái về chủ quyền sẽ làm xói mòn trật tự này và đưa Trung Quốc đến với kết luận sai lầm rằng những tuyên bố của nước này được chấp nhận như việc đã rồi”.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết Mỹ có quyền bảo vệ những lợi ích của nước này, nhưng ông cũng kêu gọi Mỹ cẩn trọng trong các nước cờ của mình. “Sẽ không tốt cho khu vực nếu có sự cố xảy ra”.
Theo James Hardy, biên tập viên châu Á Thái Bình dương của tờ tuần báo chuyên về quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly, hiện Mỹ có nhiều phương án trong việc lựa chọn loại tàu nào sẽ thực hiện việc tuần tra, và mỗi loại tàu sẽ cho thấy mức độ quyết tâm mà nước này muốn thể hiện tương ứng với các tuyên bố.
Hardy cho hay, một tàu chiến đấu duyên hải đang hiện diện gần bờ biển từng được sử dụng trong quá khứ cho việc tuần tra như vậy. Mỹ cũng ó thể cũng sẽ gửi đi một tàu chiến hạm lớp Arleigh Burke cùng hai tàu nhỏ hơn, và qua đó gửi đi một thông điệp cứng rắng hơn.
Về phía mình, Trung Quốc cũng sẽ có những lựa chọn trong việc đáp trả: quấy nhiễu tàu Mỹ bằng máy bay, triển khai tàu tuần tra để theo dõi tàu Mỹ hoặc sử dụng tàu đánh cá để cản đường các tàu tuần tra nước ngoài.