Theo nội dung tóm tắt cuộc điện đàm do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo đề cập với Tổng thống Iraq mong muốn của Washington chấm dứt chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao không nêu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẽ gia tăng sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời có thể gia tăng trừng phạt để thuyết phục Ankara chấm dứt chiến dịch nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/10 đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào người Kurd ở Syria. Tổng thống Trump cũng cử Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien đến Ankara để thúc đẩy chấm dứt chiến dịch. Tổng thống Trump cũng như Phó Tổng thống Pence đều đã trao đổi trực tiếp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về vấn đề này.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham cho biết ngày 17/10 tới sẽ đề xuất dự luật trừng phạt hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Tiếp theo Pháp và Đức, ngày 15/10, Tây Ban Nha, quốc gia xuất khẩu vũ khí chủ chốt tới Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp các thiết bị quân sự cho Ankara do chiến dịch tấn công ở Đông Bắc Syria. Chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ "chấm dứt chiến dịch quân sự gây nguy hiểm cho sự ổn định trong khu vực, gia tăng số người tị nạn và đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Syria".
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha nêu rõ: “Thông qua sự phối hợp với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU), Tây Ban Nha sẽ bác mọi giấy phép xuất khẩu mới đối với các thiết bị quân sự có thể được sử dụng trong chiến dịch ở Syria". Tuyên bố cho rằng "những mối quan ngại an ninh chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ phải được nêu ra và giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thay vì thông qua các hành động quân sự”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Stockholm, Tây Ban Nha là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 5 của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2008-2018, xếp sau Mỹ, Hàn Quốc, Đức và Italy.
Tương tự, Bộ Các vấn đề quốc tế của Canada (GAC) thông báo Ottawa đã tạm dừng cấp phép xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara triển khai chiến dịch quân sự tấn công lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria. Theo người phát ngôn GAC, "hành động đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ hủy hoại sự ổn định ở khu vực, làm trầm trọng thêm tình trạng nhân đạo tại đây, đồng thời ảnh hưởng tới những thành quả mà Liên minh toàn cầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đạt được, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên của liên minh này". GAC kêu gọi bảo vệ dân thường và đề nghị các bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng của Canada sang Thổ Nhĩ Kỳ ước tính trên 115 triệu đô la Canada (khoảng 87,12 triệu USD).
Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của EU trong tuần này, một quan chức ngoại giao Đức cho biết tại hội nghị 2 ngày, dự kiến bắt đầu ngày 17/10 tới, các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria cùng các vấn đề quan trọng khác của khối cũng như các vấn đề quốc tế.
Quan chức trên cũng cho biết hiện tại EU chưa có kế hoạch áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhấn mạnh các nước thành viên EU phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và theo dõi sát các diễn biến trên thực địa.
Trước đó, ngày 14/10, các Ngoại trưởng của EU đã nêu vấn đề hạn chế xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ quan ngại về khủng hoảng nhân đạo và bất ổn tại khu vực.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành từ ngày 9/10 vừa qua, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria.
Chiến dịch này là một phần trong mục tiêu dài hạn của Ankara nhằm xóa bỏ sự hiện diện của IS và lực lượng người Kurd ở Syria, tổ chức mà Ankara coi là khủng bố. Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.