Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết mạng lưới phát thanh này sẽ mang tên Tiếng Quan thoại Toàn cầu.
Ngân sách thường niên cho mạng lưới phát thanh này dự kiến vào khoảng 5-10 triệu USD. Nội dung của Tiếng Quan thoại Toàn cầu sẽ tập trung tiếp cận thanh niên Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Từ năm 2017, VOA cùng RFA cùng nhiều kênh truyền thông khác nằm dưới sự quản lý của cơ quan liên bang mới thành lập có tên “Cơ quan về Truyền thông Quốc tế Mỹ” với nhiệm vụ chính là “kết nối, cam kết và cung cấp thông tin cho những cá nhân trên khắp thế giới ủng hộ tự do và dân chủ”.
Tiếng Quan thoại Toàn cầu dự kiến hoạt động 24/7 và tích hợp cả mạng xã hội, kênh video… Thông báo tuyển dụng nhân sự mới của RFA còn nhấn mạnh Tiếng Quan thoại Toàn cầu sẽ tập trung vào “thông tin độc lập”.
Vào ngày 21/11, Cơ quan về Truyền thông Quốc tế Mỹ đã công bố nghiên cứu thường niên trong đó cho biết lượng người Trung Quốc theo dõi hàng tuần VOA và RFA đã tăng 6,2% trong năm 2018, đạt mức 65,4 triệu khán giả.
Theo chỉ số Quyền lực mềm 30 do Đại học Nam California và Văn phòng tư vấn Portland nghiên cứu, năm 2019 quyền lực mềm của Mỹ đã rơi xuống vị trí thứ 5 toàn cầu, trong khi năm 2016 Mỹ đứng ở vị trí số 1. Cùng thời điểm, Trung Quốc tăng từ vị trí 28 lên 27.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã kết hợp các kênh phát thanh tiếng nước ngoài như Radio Quốc tế Trung Quốc và Radio Quốc gia Trung Quốc… thành Đài phát thanh Trung Quốc. Nhiều kênh của Trung Quốc được phát sóng tại hơn 140 quốc gia bằng 65 ngôn ngữ.
VOA từ năm 2014 cũng tạo kênh tiếng Nga phát sóng 24/7 có tên Current Time với “nhiều chương trình tài liệu từ Nga, Ukraine, các nước Baltic…”. Ngoài ra còn có VOA 365 là kênh phát thanh tiếng Ba Tư hình thành từ tháng 1/2018 tập trung vào thanh niên Iran.