Ngày 5/10, tờ Washington Post của Mỹ dẫn nguồn tin từ các nhân vật am hiểu về chiến lược của Nhà Trắng đối với Iran, cho biết vào tuần tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thông báo “rút khỏi" thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), cho rằng nó không nằm trong lợi ích của Washington, và sẽ chuyển vấn đề này cho Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington, DC, ngày 29/9. Ản: AFP/TTXVN |
Động thái này sẽ đánh dấu bước đi đầu tiên trong tiến trình có thể trên thực tế dẫn đến việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Ông Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 12/10, trong đó phác thảo một chiến lược lớn hơn nhằm đối phó với Iran, quốc gia mà Washington chỉ trích gây ra sự mất ổn định ở Trung Đông.
Ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Iran đã không hành động để duy trì một thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này. Tuyên bố được đưa ra vài ngày trước thời hạn chót 15/10, theo đó Tổng thống Mỹ sẽ phải thông báo quyết định về tương lai của thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.
Phát biểu sau cuộc gặp giới lãnh đạo quân sự để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Donald Trump khẳng định Iran "không thực hiện theo tinh thần của thỏa thuận này". Theo ông, chính quyền Iran đang hỗ trợ khủng bố và xuất khẩu bạo lực và hỗn loạn khắp Trung Đông. Đây là lý do Mỹ phải chấm dứt các hành động gây hấn và tham vọng hạt nhân của Iran.
Theo hãng tin AFP, trước thời hạn chót 15/10, nhiều quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Trump đã nêu rõ rằng ông không muốn xác nhận việc Iran tuân thủ hạt nhân lịch sử, bất chấp khuyến nghị từ một số cố vấn thân cận nhất. Động thái của ông Trump sẽ khởi động quá trình kéo dài 60 ngày ở Quốc hội Mỹ nhằm xem xét các bước tiếp theo của Washington.
Trước đó, tại khóa họp 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích JCPOA, gọi đây là "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất".
JCPOA được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017, tức một năm sau khi JCPOA có hiệu lực, chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Trong khi đó, tất cả các bên tham gia ký kết JCPOA, ngoại trừ Mỹ, đều nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được duy trì.
Giới chức Iran đã lên án những tuyên bố chống JCPOA của Washington, khẳng định thông qua ủy ban chung giám sát việc thực thi JCPOA, Iran đã theo dõi và nhận thấy Mỹ không thực hiện đầy đủ cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân.