Theo nguồn tin trên, Chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu các công ty chia sẻ thông tin về các cuộc tấn công mạng và hợp tác tăng cường biện pháp bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng cung cấp nước. Chính phủ sẽ hỗ trợ các chủ sở hữu và công ty điều hành triển khai công nghệ để giám sát, phân tích tình trạng hệ thống và đưa ra những cảnh báo theo thời gian thực. Kế hoạch sẽ được đẩy nhanh trong 100 ngày tới.
Quan chức trên nhấn mạnh kế hoạch này cho phép các công ty điều hành cơ sở cung cấp nước chia sẻ nhanh chóng thông tin về an ninh mạng, qua đó giúp nâng cao năng lực phát hiện các hoạt động của tin tặc.
Tuy nhiên, nỗ lực của chính phủ Mỹ đang gặp nhiều cản trở do phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ nước sạch là những công ty tư nhân và kế hoạch bảo vệ cở sở hạ tầng này phụ thuộc vào sự hợp tác tự nguyện của các công ty điều hành và các chủ sở hữu, giống như các sáng kiến đối với ngành điện và khí đốt tự nhiên
Ngoài ra, giới chức Mỹ còn đối mặt với những rào cản giữa các nhà cung cấp nước khác nhau do Mỹ hiện có khoảng 150.000 hệ thống cung cấp nước đang vận hành phục vụ 300 triệu người dân. Những hệ thống này có mức độ tự động hóa ngày càng cao khi sử dụng máy tính để quản lý, xử lý, lưu trữ thông tin và điều khiển việc phân phối. Do vậy, các hệ thống cung cấp nước này có nguy cơ cao bị tin tặc xâm nhập và vô hiệu hóa hoặc chiếm quyền điều khiển hệ thống.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực giải quyết thách thức về đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống cơ sở hạ tầng của Mỹ trước nguy cơ tấn công mạng. Hồi tháng 5/2021, tin tặc đã thực hiện một vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc nhằm vào các đường ống dẫn dầu của công ty Colonial Pipeline, một trong những hệ thống cung cấp nhiên liệu lớn nhất ở Mỹ, khiến một phần hệ thống này bị tê liệt. Colonial Pipeline tạm thời dừng cung cấp khoảng 45% nhiên liệu cho khu vực Bờ Đông, buộc chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở 17 bang và thủ đô Washington D.C. Cùng thời điểm, một cuộc tấn công mạng tương tự nhằm vào JBS, một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới.