Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, ông Lighthizer khẳng định Mỹ quyết tâm tìm kiếm giải pháp tranh chấp, cho biết Mỹ hiện chờ phản hồi từ EU đối với một đề nghị gần đây của Mỹ và sẽ thúc đẩy đàm phán đang diễn ra với Brussels để khôi phục cạnh tranh công bằng và một sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực sản xuất máy bay. Cũng theo Đại diện Thương mại Mỹ, phán quyết của WTO nhằm dọn đường cho EU áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 4 tỷ USD của Mỹ là "không có cơ sở hợp lệ".
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, sau phán quyết của WTO, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị chấm dứt cuộc chiến thuế quan và tìm ra giải pháp hòa giải cho tranh chấp kéo dài 16 năm về trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay.
Phó Chủ tịch EC phụ trách kinh tế và thương mại Valdis Dombrovskis khẳng định EU sẽ ngay lập nối lại tiếp xúc với Mỹ theo cách tích cực và mang tính xây dựng để quyết định các bước tiếp theo. Ưu tiên mạnh mẽ của EU là giải quyết bằng thương lượng. Ông Dombrovskis nói thêm rằng EU sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và phản ứng theo cách tương xứng. Sau khi được WTO cho phép, EU có thể áp đặt thuế trả đũa Washington từ ngày 27/10, một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho hãng máy bay Boeing và Airbus. Tháng 10/2020, WTO đã ra phán quyết ủng hộ Mỹ liên quan đến vấn đề trợ cấp của EU với Airbus, Washington đã áp đặt mức thuế trừng phạt 25% đối với các sản phẩm của EU như rượu vang, pho mát và dầu ô liu. Mức thuế 10% đối với máy bay Airbus đã bị tăng lên 15% từ tháng 3 vừa qua.
Tranh chấp Airbus-Boeing là một trong những mặt trận của cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa các nhà sản xuất ô tô và các chính phủ EU về các biện pháp trừng phạt với các mức thuế mới để đáp trả sắc thuế về kỹ thuật số do EU đề xuất. Các mức thuế mới đối với ngành hàng không được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sâu sắc mà ngành này đang phải đối mặt do sự gián đoạn do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Boeing vẫn đang phục hồi sau ảnh hưởng của hai vụ tai nạn chết người của dòng máy bay 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Boeing kêu gọi, thay vì leo thang tranh chấp với những đe dọa doanh nghiệp Mỹ và khách hàng châu Âu, Airbus và EU nên tập trung sức lực vào những nỗ lực thiện chí để giải quyết tranh chấp kéo dài này. Trong khi đó, Airbus nhấn mạnh sự ủng hộ với một giải pháp thương lượng cho một "dàn xếp công bằng" và loại bỏ thuế quan cho cả hai bờ Đại Tây Dương.