Nhà Trắng cho biết gói trừng phạt mới - nhắm vào các ngành ngân hàng, khai thác mỏ và công nghiệp quốc phòng, sẽ nhằm vào "hơn 200 cá nhân và tổ chức, bao gồm cả của Nga và nước thứ ba trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông vốn đang ủng hộ Nga". Trong số những đối tượng chịu các biện pháp trừng phạt mới, sẽ có "hàng chục tổ chức tài chính của Nga".
Nhà Trắng còn nêu rõ Mỹ đang trừng phạt các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ cao của Nga, trong đó có việc hạn chế nỗ lực của Nga nhằm né tránh những lệnh trừng phạt hiện hành.
Theo Nhà Trắng, Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gần 90 doanh nghiệp Nga và nước thứ ba "vì đã tham gia các hoạt động né tránh trừng phạt và thực hiện hoạt động hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng của Nga". Ngoài ra, ngành khai khoáng và kim loại của Nga cũng nằm trong tầm ngắm trừng phạt kinh tế. Cụ thể, động thái này sẽ dẫn đến việc tăng thuế đối với hơn 100 sản phẩm kim loại, khoáng sản và hóa chất của Nga trị giá khoảng 2,8 tỷ USD...
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết lãnh đạo G7 có thể nhất trí áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của khối ngày 24/2 nhân tròn 1 năm xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu họp báo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7, Thủ tướng Kishida cho biết hội nghị sẽ kêu gọi các nước thứ ba không gửi viện trợ quân sự cho Nga.
Cũng trong ngày 24/2, một số quốc gia như Anh, New Zealand và Hàn Quốc cũng thông báo áp đặt các biện pháo trừng phạt mới nhằm vào Nga trong bối cảnh tròn 1 năm xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine.