Theo kênh CNN ngày 20/11, thông tin trên do Phó Đô đốc Johnny Wolfe, Giám đốc chương trình Hệ thống Chiến lược của Hải quân Mỹ đưa ra. Ông nói: “Cho đến gần đây, vẫn chưa có động lực thực sự nào để chúng tôi sử dụng công nghệ đó và đưa nó vào hệ thống vũ khí. Trước đây, chưa có nhu cầu. Nhưng bây giờ thì có. Đó là lý do tại sao chúng tôi có cảm giác cấp bách phải giải quyết vấn đề này”.
Ông Wolfe đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh quân đội Mỹ đã thực hiện hai vụ phóng thử rocket để thu thập dữ liệu cho quá trình phát triển vũ khí siêu vượt âm. Ông thừa nhận rằng Trung Quốc và Nga đã phát triển các vũ khí mà Mỹ không có. Có khoảng chục thí nghiệm được thực hiện trong mỗi lần phóng thử nghiệm nói trên, gồm các thí nghiệm trong các lĩnh vực như vật liệu chịu nhiệt, thiết bị điện tử cao cấp và vật liệu nhẹ. Tất cả đều cần thiết để phát triển và triển khai thành công vũ khí siêu vượt âm.
Nga đã triển khai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal ở Ukraine. Đây có lẽ là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong cuộc xung đột. Trong cuộc thử nghiệm năm ngoái, một tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc đã bay vòng quanh thế giới trước khi bắn trúng mục tiêu.
Ông Wolfe khẳng định: “Trung Quốc và Nga là động lực”.
Video Nga thử tên lửa siêu vượt âm Zircon ở Biển Barents (nguồn: Bộ Quốc phòng Nga):
Vũ khí siêu vượt âm di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5, tức là khoảng 6.400km/h, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn kịp thời. Các tên lửa siêu vượt âm cũng có thể cơ động và thay đổi độ cao, giúp tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Lầu Năm Góc đã yêu cầu 4,7 tỷ USD dành cho nghiên cứu siêu vượt âm trong năm tài chính tiếp theo, tăng từ 3,8 tỷ USD. Mỹ đang phát triển một số chương trình vũ khí siêu vượt âm khác nhau trong các quân chủng, nhưng một loạt các thử nghiệm thất bại đã cản trở một số chương trình.
Lực lượng Không quân Mỹ cuối cùng đã thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) sau 3 lần thử nghiệm thất bại liên tiếp. Vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới Common Hypersonic Glide Body của Lục quân và Hải quân cũng bị lỗi thử nghiệm vào mùa hè trong lần thử nghiệm toàn bộ hệ thống đầu tiên.
Tuy nhiên, ông Wolfe nói rằng thất bại không phải là điều tiêu cực. Ông nói “Mỗi lần thử nghiệm là một cơ hội để học hỏi, bất kể kết quả cuối cùng là gì. Tôi nghĩ thất bại là một phần của quá trình”.
Lục quân Mỹ có kế hoạch triển khai Vũ khí Siêu vượt âm Tầm xa (LRHW) vào năm tới. Đây sẽ là hệ thống siêu vượt âm đầu tiên được quân đội Mỹ sử dụng. Hệ thống này sử dụng một tên lửa đẩy hai tầng để tăng tốc một quả đạn đang trượt lên tốc độ siêu vượt âm. Sau đó, bộ phận trượt sẽ lao tới mục tiêu với tốc độ rất cao, sử dụng động năng làm vũ khí.
Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai phiên bản hệ thống riêng trên các tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Zumwalt vào năm 2025. Họ cũng lên kế hoạch thử nghiệm một phiên bản dành cho tên lửa siêu vượt âm phóng từ tàu ngầm vào cuối thập kỷ này.
Ông Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Về cơ bản, đó chỉ là thế hệ tên lửa tiếp theo”.
Ông Karako cho biết Mỹ đã ngừng nghiên cứu và phát triển các chương trình siêu vượt âm trong những năm qua. Nhưng khi Trung Quốc và Nga tăng cường đầu tư vào các hệ thống này, Mỹ đã tìm cách đuổi kịp một cách tích cực.
Ông Karako nói: “Chúng ta không làm điều đó chỉ vì họ làm vậy. Chúng ta đang làm điều đó vì những nhu cầu quân sự đặc biệt”.
Không chỉ các nước lớn trên thế giới mới quan tâm tới những vũ khí cao cấp này. Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công tên lửa siêu vượt âm vào đầu năm nay. Tuần trước, Iran tuyên bố Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã phát triển một tên lửa siêu vượt âm.