Ông Netanyahu cho biết chính sách mới này phản ánh một sự thật lịch sử là người Do Thái không phải là kẻ thực dân chiếm đóng Judea và Samaria, tên gọi trong Kinh Thánh cho Bờ Tây. Theo ông này, họ được gọi là người Do Thái bởi vì họ là người dân của vùng đất Judea.
Phát biểu của ông Netanyahu được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ không còn coi các khu định cư Do Thái là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”, một sự điều chỉnh quan trọng trong chính sách của Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudaineh đã lên án hành động này của Mỹ “trái ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế” và Mỹ đã đánh mất uy tín và không thể đóng bất kỳ vai trò nào trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông khẳng định quan điểm mới của Mỹ là “không có giá trị, không thể chấp nhận và sẽ bị lên án”.
Ông Hanan Ashrawi, nhà đàm phán kỳ cựu và là thành viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng hành động này là cú đấm khác vào luật pháp quốc tế, công lý và hòa bình.
Theo một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các khu định cư Do Thái bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế khi chúng vi phạm Công ước Geneva thứ tư về việc cấm nước chiếm đóng được đưa dân cư của mình tới khu vực mình chiếm đóng.
Các khu định cư Do Thái cũng được coi là một trong những rào cản nghiêm trọng cho thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine.
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.
Trong một tuyên bố, ông Pompeo khẳng định: “Sau khi nghiên cứu kỹ tất cả các khía cạnh của cuộc tranh cãi pháp lý này, chính quyền Mỹ nhất trí rằng việc xây dựng các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây, về bản chất, không phải không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ngoại trưởng Pompeo cũng trích dẫn đánh giá năm 1981 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rằng các khu định cư không phải “vốn đã bất hợp pháp”, đồng thời cho biết chính phủ Mỹ không bày tỏ quan điểm về tình trạng pháp lý của bất kỳ khu định cư riêng lẻ nào, hoặc giải quyết hoặc đánh giá về tình trạng cuối cùng của khu vực Bờ Tây.
Tuyên bố trên đánh dấu sự đảo ngược chính sách của Mỹ trong vòng 40 năm qua đối với các khu định cư của Israel khi bác bỏ quan điểm pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1978 cho rằng các khu định cư "không phù hợp với luật pháp quốc tế". Đây là động thái mới nhất cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel, nhưng có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và người Palestine, cũng như khoét sâu sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu.
Theo một quan chức chính quyền, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phối hợp với nhóm hòa bình của Nhà Trắng, do con rể của Tổng thống Trump là Jared Kushner dẫn đầu, đã làm việc trong gần một năm qua để đưa ra quyết định trên. Tuy nhiên, tuyên bố này có khả năng sẽ làm ảnh hưởng tới triển vọng cho kế hoạch hòa bình lâu dài chưa được công bố của chính quyền Tổng thống Trump.
Lâu nay, các quan chức Palestine đã bác bỏ vai trò trung gian hòa bình trung lập của Mỹ trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào do các động thái chính sách của chính quyền Trump. Chính quyền Tổng thống Trump đã công nhận Jerusalem – thánh địa gây tranh cãi giữa Israel và Palestine - là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem – một thành phố tranh chấp mà người Palestine gọi phần phía Đông là thủ đô của nước Palestine tương lai.
Ngoài ra, ông Trump cũng đưa ra một loạt các quyết định chưa từng có, như đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Washington, chấm dứt hỗ trợ tài chính cho người Palestine và Cơ quan làm việc và cứu trợ LHQ cho người tị nạn Palestine (UNRWA).