Skye Murphy, 22 tuổi, đã sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 1 từ năm 14 tuổi. Trong tháng 4 vừa qua, cô được biết rằng việc nhận thuốc Humalog, một loại thuốc insulin của hãng Eli Lilly, sẽ bị trì hoãn từ 30 đến 60 ngày.
Trong thông báo về tình trạng thiếu hụt vào tháng 3, Eli Lilly cho biết một số loại thuốc insulin chính sẽ hết hàng trong vài tuần, do “sự chậm trễ trong sản xuất”. Kể từ đó, công ty đã loại bỏ thông tin chi tiết về tình trạng sự thiếu hụt trong thông cáo báo chí.
Eli Lilly có trụ sở tại Indianapolis là một trong ba công ty dược phẩm kiểm soát thị trường insulin toàn cầu. Họ cạnh tranh với Sanofi của Pháp và Novo Nordisk của Đan Mạch. Nhưng Novo Nordisk và Eli Lilly được đặc biệt lưu ý. Hai công ty này kiểm soát 75% thị trường toàn cầu - và cả hai đều rơi vào tình trạng thiếu insulin, gây ảnh hưởng đến những người phụ thuộc vào thuốc này.
Trong số đó có Murphy. Cô đã dùng đến lọ thuốc cuối cùng và phải phân chia liều lượng để phòng trường hợp không mua được thuốc bổ sung. Murphy mất gần một ngày để gọi đến các hiệu thuốc trên khắp khu vực Chicago nơi cô sống để tìm một liều thuốc nhưng vẫn chưa thể mua được.
“Tôi đã sử dụng loại insulin này 8 năm rồi. Nếu không nhận được thuốc, tôi có thể bị hạ đường huyết, lượng đường huyết thấp hoặc cao, hoặc một số phản ứng bất lợi nghiêm trọng khác”, Murphy nói với Al Jazeera.
Khi thuốc insulin bị giới hạn giá
Novo Nordisk nắm giữ 54,8% thị trường toàn cầu và một trong những động thái gần đây của họ – cắt giảm lượng sản phẩm cung cấp – càng làm tăng thêm sự thiếu hụt.
Vào tháng 11/2023, người khổng lồ dược phẩm Đan Mạch nàytuyên bố sẽ ngừng sản xuất thuốc tiêm insulin tác dụng kéo dài có tên Levemir. Loại thuốc này sẽ bị ngừng sử dụng hoàn toàn vào cuối năm 2024. Vào thời điểm đó, công ty cho biết do động thái này nên tình trạng thiếu hụt trong chuỗi cung ứng đã bắt đầu từ năm ngoái.
Năm 2023, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch giới hạn chi phí insulin tự trả cho các bệnh nhân ở mức 35 USD/tháng. Tổng thống Joe Biden đã thể hiện những nỗ lực này trong Thông điệp Liên bang gần đây của ông. Nhờ hợp tác với một số người khổng lồ dược phẩm bao gồm Eli Lilly, Sanofi và Novo Nordisk, giá insulin ở Mỹ đã giảm: 70% đối với Eli Lilly, 75% đối với Novo Nordisk và 78% đối với Sanofi.
Nhưng ngay cả khi giá giảm bắt đầu có hiệu lực, một nghiên cứu mới của Đại học Yale được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) cho thấy các gã khổng lồ dược phẩm đã tính giá cao hơn đáng kể so với chi phí sản xuất thuốc. Eli Lilly đã tính phí tới 274,70 USD cho một lọ Humalog U-100 10ml – một trong những loại thuốc insulin phổ biến nhất.
Chuyển hướng mạnh sang thuốc giảm cân
Mặc dù lên tiếng ủng hộ kế hoạch giới hạn giá của chính quyền Tổng thống Biden, hãng Novo Nordisk đã âm thầm giảm danh mục thuốc insulin của mình.
Novo Nordisk hiện đang tập trung vào một nhóm thuốc khác gọi là thụ thể GLP-1, giúp điều chỉnh hormone đường ruột ảnh hưởng đến cơn đói. Thị trường cho những thứ này sinh lợi hơn. Thụ thể GLP-1 cũng dành cho bệnh tiểu đường, nhưng hiện được sử dụng rộng rãi hơn như một loại thuốc giảm cân – semaglutide, thường được gọi là Wegovy hoặc Ozempic.
Các công ty dược phẩm khác cũng đang tìm cách kiếm lợi từ thụ thể GLP-1 của Novo Nordisk, bao gồm cả Eli Lilly, công ty cũng đang để thiếu hụt insulin trong khi tăng cường sản xuất Zepbound và Mounjaro, đối thủ cạnh tranh với GLP-1 của Novo.
Tuần trước, Eli Lilly đã điều chỉnh lại dự báo doanh thu hàng năm của mình, tăng thêm 2 tỷ USD và cho biết họ dự kiến sẽ thu về từ 42,4 tỷ USD đến 43,6 tỷ USD vào cuối năm nay. Đó là nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với các lựa chọn thay thế cho Ozempic và Wegovy. Theo Reuters, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, trung bình các bác sĩ đã kê đơn thuốc giảm cân Zepbound tổng cộng 63.000 lần mỗi tuần. Báo cáo tương tự chỉ ra rằng trung bình các bác sĩ kê tổng cộng 110.000 đơn thuốc của Wegovy mỗi tuần.
Bất chấp nỗ lực của Novo Nordisk nhằm tăng cường sản xuất thuốc, thị trường GLP-1 ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Đặc biệt, Wegovy đã trở thành tâm điểm chú ý trong những tuần gần đây. Đó là bởi vì Medicare, một chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ dành cho những người từ 65 tuổi trở lên, hiện cho phép chi trả cho loại thuốc có tác dụng giảm cân này.
Các loại thuốc Wegovy và Ozempic đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây vì thành phần hoạt chất semaglutide của nó đã cho thấy có tác dụng giảm cân đáng kể.
Cho đến nay, trừ khi bệnh nhân đã mắc bệnh tiểu đường, semaglutide chỉ có thể tiếp cận được nếu người bệnh sẵn sàng bỏ tiền.
Nguồn cung khan hiếm, giá ‘cắt cổ’
Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi một số loại thuốc tiêm semaglutide đang bị thiếu hụt kể từ tháng 3/2022. Một phần là do nhu cầu tăng đột biến – 300% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022. Điều đó càng trở nên phức tạp sau khi Novo Nordisk tuyên bố tạm dừng hợp đồng với một nhà sản xuất đã cung cấp ống tiêm Wegovy sau khi nhà sản xuất này không vượt qua đợt kiểm tra của FDA vào tháng 12/2021.
Do nhu cầu tăng cao nên Novo Nordisk vẫn chưa thể đáp ứng. Đó là do các căng thẳng trong chuỗi cung ứng khác đang tấn công ngành dược phẩm. Ấn Độ và Trung Quốc cung cấp 61% hoạt chất dùng trong thuốc. Đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng, sau đó các cuộc khủng hoảng địa chính trị và nhân đạo lớn - đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine và cuộc chiến Israel-Hamas gần đây ở Gaza - đã làm chậm hoạt động thương mại.
Trong những tuần gần đây, Novo Nordisk đã bị giám sát chặt chẽ hơn về mức giá quá cao của thuốc giảm cân. Nghiên cứu tương tự của Đại học Yale chỉ ra việc tăng chi phí insulin cũng cho thấy vấn đề tương tự với thuốc semaglutide của gã khổng lồ dược phẩm Đan Mạch. Nghiên cứu kết luận rằng chi phí sản xuất loại thuốc này ước tính khoảng chỉ 0,89 USD đến 4,73 USD/liều.
Mặc dù khả năng tiếp cận thuốc còn hạn chế là vấn đề của tất cả mọi người nhưng gánh nặng lớn nhất thuộc về các cộng đồng da màu. Chi phí cao ảnh hưởng lớn đến những cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế xã hội. Tỷ lệ béo phì cao nhất trong cộng đồng người da đen. Theo Viện Y tế Quốc gia, gần 57% phụ nữ da đen bị thừa cân.
Bất chấp những thách thức trong chuỗi cung ứng, quy mô tài chính của Novo Nordisk ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Năm ngoái, Novo Nordisk đã trở thành công ty có giá trị nhất châu Âu – đánh bại LVMH – công ty mẹ của các thương hiệu cao cấp như thời trang Louis Vuitton và rượu sâm panh Dom Perignon. Vào tháng 3 năm nay, nó đã trở thành thương hiệu có giá trị thứ 12 trên thế giới.
Vốn hóa thị trường của gã khổng lồ dược phẩm Đan Mạch hiện là hơn 440 tỷ USD.
Thị trường dự kiến sẽ còn mở rộng hơn đối với các loại thuốc giảm cân như Ozempic và Wegovy. JP Morgan Healthcare kỳ vọng thị trường thuốc giảm cân có thể đạt giá trị đáng kinh ngạc 100 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.