Hiện chưa có thông tin chi tiết nào về cuộc điện đàm được đưa ra. Trước đó, ngày 20/1, chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí đẩy nhanh công tác đàm phán về việc thành lập một vùng an ninh ở Đông Bắc Syria.
Trong một tuyên bố, Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ Tổng thống Erdogan đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump và Ankara sẵn sàng thực hiện những biện pháp an ninh khẩn cấp tại khu vực Manbij để ngăn chặn tình hình bất ổn. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy nhanh công tác đối thoại về việc thành lập một vùng an ninh tại Syria. Hai bên cũng cam kết sẽ có những biện pháp phù hợp để loại bỏ tàn quân của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và ngăn chặn nhóm khủng bố này hồi sinh.
Theo một tuyên bố ngày 21/1, ông Erdogan tuyên bố quốc gia này sẽ không cho phép “vùng an ninh” mà Ankara dự định thiết lập ở miền Bắc Syria trở thành nơi trú ẩn của lực lượng người Kurd. Truyền thông khu vực dẫn lời ông Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ cho phép vùng an ninh trở thành một “đầm lầy” mới ở quốc gia này giống như những gì từng xảy ra ở miền Bắc Iraq.
Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố Washington sẽ rút quân khỏi Syria. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vẫn thường xuyên liên lạc để thảo luận về kế hoạch rút quân của Mỹ cũng như cuộc chiến chống các tàn dư của IS.
* Cũng liên quan vấn đề Syria, ngày 21/1, Hội đồng châu Âu đã bổ sung 11 doanh nhân cùng 5 thực thể vào danh sách các đối tượng bị áp dụng các biện pháp trừng phạt do có liên quan tới các dự án phát triển bất động sản cao cấp cùng một số kế hoạch khác ủng hộ chế độ ở Syria.
Danh sách trừng phạt hiện bao gồm 270 người và 72 thực thể bị nhắm đến bởi lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) hiện đang áp dụng đối với Syria cũng bao gồm cấm vận dầu mỏ, hạn chế một số khoản đầu tư, đóng băng tài sản do Ngân hàng trung ương Syria nắm giữ tại châu Âu và hạn chế xuất khẩu đối với một số thiết bị công nghệ tới Syria. Các lệnh trừng phạt của EU đối với Syria bắt đầu áp dụng từ năm 2011 và được xem xét lại hàng năm.